Không thể huy động vốn về để trong kho

(ĐTCK) Sức cầu yếu, nhu cầu vốn không tăng, khiến tăng trưởng dư nợ 5 tháng đầu năm của ngành ngân hàng vẫn ì ạch. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng đều kỳ vọng tín dụng sẽ được cải thiện dần trong nửa cuối năm, nhất là trong quý IV.

Tín dụng vừa thoát âm

Đã gần hết nửa năm, nhưng tín dụng của nhiều ngân hàng chỉ mới thoát khỏi tình trạng âm so với cuối năm 2013. Chẳng hạn, DongA Bank tăng trưởng dư nợ tín dụng đến gần cuối tháng 5 mới đạt hơn 1%; OCB, SCB tăng trưởng tín dụng đến nay cũng chỉ mới đạt vài phần trăm.

Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, tín dụng trong 2 quý đầu năm chưa thể kỳ vọng tăng trưởng nhiều, vì tình hình thị trường còn khó khăn và sức khỏe của doanh nghiệp chưa hồi phục mạnh mẽ.

“Khả năng dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện trong 2 quý cuối năm. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng OCB nhận được đầu năm nay là 10%, nhưng Ngân hàng phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng khoảng 25%, nhất là ở những tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm, nhu cầu vốn tăng mạnh”, ông Tùng nói.

Sở dĩ tín dụng khó tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm, theo lãnh đạo các nhà băng, trước tình hình hiện nay, ngân hàng phải thận trọng khi quyết định trao vốn, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu, nhất là khi xu hướng nợ xấu vẫn gia tăng. Song điều đó không có nghĩa là ngân hàng không cho vay ra, ngược lại còn phải cạnh tranh khốc liệt trong việc giành thị phần tín dụng, chọn lọc khách hàng tốt. Không thể huy động vốn về để trong kho, trong khi vẫn phải trả lãi suất huy động vốn.

Thực tế cho thấy, với các khoản vay chưa thể thu hồi được nợ, ngân hàng đã phải trích dự phòng, dẫn đến chi phí phát sinh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặt khác, dù nợ xấu đã được bán cho VAMC, nhưng ngân hàng vẫn phải trích dự phòng 20% mỗi năm. OCB đã bán nợ xấu cho VAMC khoảng 200 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 40 tỷ đồng (20% cho khoản trái phiếu đặc biệt thu về sau khi bán nợ xấu). Mặt khác, năm nay, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn trên tổng nguồn huy động.

Với OCB, ông Tùng cho biết, Ngân hàng phấn đấu tỷ lệ sử dụng vốn trên tổng huy động là 80% (tức huy động về 100 đồng thì chỉ cho vay ra 80 đồng) và phải chấp nhận chi phí vốn 20 đồng. Điều này trước mắt đảm bảo được an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Các ngân hàng kỳ vọng, tốc độ xử lý nợ quá hạn trong thời gian tới sẽ tốt hơn, khi sức khỏe doanh nghiệp hồi phục, nhờ vào các tín hiệu ổn định của nền kinh tế. Từ đó, các ngân hàng có thêm điều kiện để cơ cấu lại nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu và khơi thông được dòng chảy tín dụng, nhất là trong quý cuối năm. 

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến hết tháng 5 chỉ mới đạt được vài phần trăm so với mục tiêu Ngân hàng đặt ra năm nay khoảng 12%. Tín dụng DongA Bank tăng trưởng thấp, theo bà Xuyến, là do cầu về vốn của khách hàng hiện nay khá thấp, trong khi Ngân hàng tập trung đẩy mạnh xử lý và thu hồi nợ, song song với phát triển tín dụng, nhưng phải kiểm soát được chất lượng để ngăn nợ xấu.

Tín dụng DongA Bank hiện tập trung nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu (tài trợ vốn cho lĩnh vực cà phê, điều…) và kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối năm.

Thị trường còn khó khăn đã tác động đến các doanh nghiệp. Nợ xấu doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của khách hàng vẫn làm khó ngân hàng trong việc xem xét để trao vốn. Trong khi đó, tính minh bạch của doanh  nghiệp còn kém và quá trình xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu

Trước việc tín dụng toàn ngành ngân hàng cuối tháng 5/2014 chỉ mới tăng hơn 1%, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12 - 14% không hẳn là cao, nhưng sẽ không dễ hoàn thành, bởi tổng cầu chưa thể tăng lên thì dù lãi suất có giảm mạnh, nền kinh tế cũng khó hấp thụ được vốn.

Một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. HCM thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với ngân hàng hiện nay là khó cho vay ra, dù lãi suất giảm nên không dễ kỳ vọng được mục tiêu lợi nhuận. Vì thế, việc đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng cũng là phù hợp trong điều kiện thị trường còn có những khó khăn và thách thức đối với hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay.

Tổng giám đốc OCB cũng cho rằng, nợ xấu tăng, kéo theo trích lập dự phòng cao thì việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của OCB đưa ra cho năm nay 360 tỷ đồng, theo ông Tùng, là không cao nhưng cũng không thấp. Kết thúc quý I/2014, OCB chỉ đạt 6% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nhưng OCB cũng kỳ vọng trong những quý tiếp theo, hoạt động tín dụng cải thiện, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận sẽ tốt hơn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục