Gọi vốn mới để mua lại phần vốn góp của 2 cổ đông lớn tại SII vào một công ty con
Đây là đợt huy động vốn nhằm tài trợ cho kế hoạch M&A của SII, cụ thể là mua 30,87 triệu cổ phiếu (tương đương 49% vốn điều lệ) của CTCP Cấp thoát nước Củ Chi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ Manila South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWASH) và VIAC (No.1) Limited Partnership (VOI).
Tính đến cuối tháng 9/2019, SII đã sở hữu 50,98% cổ phần tại Cấp thoát nước Củ Chi. Nếu thương vụ thành công, Công ty sẽ sở hữu toàn bộ cổ phần tại đây.
Thời hạn nhận đăng ký mua từ ngày 10/1 - 13/2/2020.
Đáng chú ý, MWASH và VOI cũng là hai cổ đông sở hữu lần lượt 38% và 10,9% vốn của SII.
Bên cạnh việc tiến hành M&A, nguồn vốn nếu huy động được sẽ giúp SII thanh toán chi phí lãi và nợ vay ngân hàng, bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, Công ty dự kiến chi 286,4 tỷ đồng thanh toán chi phí lãi vay và nợ gốc ngân hàng; bổ sung 37,3 tỷ đồng vào vốn lưu động.
Hoạt động kinh doanh chính của SII là đầu tư và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hạ tầng môi trường với mục tiêu trở thành biểu tượng số 1 của nhà phát triển hạ tầng trong ngành công nghiệp nước sạch và nước thải tại Việt Nam.
Hiện tại, SII đang nắm giữ quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối tại 8 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nước sạch, tập trung chủ yếu tại thị trường miền Nam.
Trong cơ cấu doanh thu của SII, doanh thu cung cấp nước sạch chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, từ mức 41,7% năm 2017 lên 91,5% 9 tháng 2019, đạt 124,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ cung cấp, lắp đặt vật tư, thiết bị ngành nước giảm mạnh, chiếm 6,7% doanh thu trong 9 tháng năm 2019, so với mức 56,5% năm 2017.
Công ty mẹ gặp khó, mua lại công ty con chưa có doanh thu
Thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh của SII trong thời gian qua không lấy làm tích cực. 9 tháng năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 135,6 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 26,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 âm 3,9 tỷ đồng.
Theo SII, diễn biến này chủ yếu xuất phát từ việc doanh thu đến từ công ty con (Enviro) đi xuống.
Bên cạnh đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục suy giảm 41,4%, ghi nhận con số âm 109,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 28 tỷ đồng, giảm 46,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) của SII đã tăng mạnh kể từ năm 2017.
Nguyên nhân chủ yếu là việc khoản vay để thực hiện Dự án Củ Chi giai đoạn 1 được ghi nhận toàn bộ thành chi phí lãi vay và Công ty phát sinh thêm một số khoản vay mới, đáng kể nhất là khoản trái phiếu 380 tỷ đồng, phát hành cho Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) và khoản vay đầu tư Dự án Củ Chi giai đoạn 2 khoảng 183 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý III/2019, chi phí tài chính của SII là 82,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61% doanh thu. Tiền và các khoản tương đương tiền còn 16,4 tỷ đồng, giảm 88,8% so với đầu năm.
Theo SII, những khó khăn mà Công ty đang phải đối mặt bao gồm tình hình thị trường tài chính bất lợi khi lãi suất tăng, dẫn tới chi phí tài chính tăng;
Việc chuyển đổi từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước do Công ty cung cấp còn chậm; giá bán lẻ của Dự án Củ Chi vẫn thấp hơn kế hoạch do chủ trương tăng giá nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chưa được TP.HCM phê duyệt trong thời gian này.
Về CTCP Cấp thoát nước Củ Chi, đây là doanh nghiệp được SII thành lập năm 2015 với tỷ lệ góp vốn là 99,98%. Hiện tại, Công ty có vốn điều lệ 630 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông bao gồm SII (50,98%); MWSAH (24,5%); VOI (24,5%) và ông Trương Khắc Hoành (0,02%).
Sau vài năm đi vào hoạt động, Cấp thoát nước Củ Chi chưa ghi nhận doanh thu. Năm 2017, Công ty báo lợi nhuận sau thuế âm 19,5 triệu đồng và tiếp tục báo lỗ 9 tháng năm 2019 ở mức 13,2 triệu đồng.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngạc nhiên với phương án gọi vốn của SII và chờ đợi lãnh đạo doanh nghiệp lý giải xem cách nào để có thể gọi được vốn mới trên nền hiện trạng tài chính và thanh khoản cổ phiếu “đứng im” như hiện tại?