Không tách bạch tiền gửi, CTCK sẽ bị dừng môi giới

Từ 15/1/2014, Ủy ban Chứng khoán có thể yêu cầu công ty chứng khoán dừng hoạt động môi giới, nếu không tách bạch tài khoản...
Không tách bạch tiền gửi, CTCK sẽ bị dừng môi giới

 

Không tách bạch tiền gửi, CTCK sẽ bị dừng môi giới ảnh 1 

Hiện vẫn còn 75% số công ty chứng khoán lập lờ tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư

 

Sau rất nhiều nỗ lực đề xuất, hỗ trợ và thúc giục các công ty chứng khoán triển khai quy định quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán, bắt đầu từ 15/1/2014 tới đây, cơ quan quản lý sẽ chính thức xử phạt nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư.

 

Như vậy, từ nay đến thời hạn kể trên, bên cạnh 25% số công ty chứng khoán đã hoàn thành nhiệm vụ này thì vẫn còn 75% số công ty chứng khoán hiện nay sẽ còn khoảng 10 tháng để thực hiện việc mà lẽ ra họ phải hoàn thành từ cách đây 7 năm.

 

Tại Hội nghị triển khai quy định quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán theo Thông tư 210/2012 của Bộ Tài chính (ban hành ngày 30/11/2012 hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán), do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức vào chiều ngày 5/3/2013, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, khẳng định rằng với quy định mới, các công ty chứng khoán sẽ không còn lý do để trì hoãn đối với việc thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán.

 

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhận xét rằng: về cơ bản công ty chứng khoán đã làm tốt việc quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán.

 

“Câu chuyện quản lý tiền là hết sức quan trọng trong hoạt động của công ty chứng khoán. Tất nhiên có một vài vụ việc nổi cộm, không phải là đại trà, và với các vụ việc đơn lẻ này chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý nghiêm. Luật Chứng khoán cũng đã có quy định, dựa theo thông lệ quốc tế, chúng ta phải tách bạch tiền của công ty chứng khoán với nhà đầu tư”, ông Sơn nói.

 

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hầu như thời gian qua, các công ty chứng khoán không nhận tiền của khách hàng, mà gửi qua ngân hàng có quầy giao dịch tại công ty chứng khoán và gửi vào tài khoản tổng. Những công ty chứng khoán lớn làm tương đối tốt, qua quá trình kiểm tra từ năm 2010 đến nay, cơ quan quản lý thấy rằng không có chuyện lạm dụng tiền. Một phần, do các lãnh đạo công ty chứng khoán đã ý thức hơn về việc này và quán triệt thực hiện, ngoài ra hệ thống ngân hàng hiện nay 2 năm trở lại đây, nhất là BIDV đã cung cấp các dịch vụ khá đầy đủ.

 

Tại hội nghị, đại diện BIDV cũng cho biết, hiện có 25 công ty chứng khoán đã thực hiện tách bạch hoàn toàn, mở tài khoản tại ngân hàng.

 

Theo quy định tại điều 50, Thông tư 210/2012, công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại, đồng thời không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Đến 15/1/2014, công ty chứng khoán nào không tách bạch tài khoản tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể yêu cầu công ty đó dừng hoạt động môi giới.

 

Theo đó, để thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống để đáp ứng cả hai phương thức quản lý tiền dưới đây để khách hàng lựa chọn.

 

Phương án 1: công ty chứng khoán mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền của khách hàng. Tiền trên tài khoản chuyên dụng không thuộc sở hữu của công ty chứng khoán mà thuộc sở hữu của khách hàng. Tiền của từng khách hàng trong từng tiểu khoản thuộc sở hữu của khách hàng.

 

Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của công ty chứng khoán; công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại mở tài khoản chuyên dụng có nghĩa vụ quản lý tài khoản này chỉ phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

 

Phương án 2: khách hàng của công ty chứng khoán mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

 

Trong phương thức này, công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng. công ty chứng khoán phải mở tài khoản trung chuyển chuyên dùng tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

 

Để xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ như trước đây, Thông tư 210/2012 cũng quy định trong vòng 1 năm công ty chứng khoán phải triển khai. Chế tài xử phạt các trường hợp cố tình chây ỳ đã được đưa vào Dự thảo Nghị dịnh sửa đổi Nghị định 85 về xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

 

Theo đó, cơ quan quản lý có xem xét dừng hoạt động môi giới nếu công ty chứng khoán không có hệ thống tài khoản tổng. “Đến lúc này, không còn bàn chuyện có nên hay không làm việc tách bạch này nữa, mà tính cách triển khai sao cho ổn thỏa. Ngoài BIDV đã đưa ra gói sản phẩm tương đối phù hợp với quy định, thì cũng có nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ này”, ông Sơn cho biết.

 

Về chế độ báo cáo, 1 tuần 1 lần đối với công ty chứng khoán có tài khoản chuyên dụng. Với mong muốn vì thị trường, an toàn tuyệt đối cho khách hàng, đưa công ty chứng khoán thành địa chỉ tin cậy, yên tâm với tiền gửi giao dịch từ đó mới phát triển được sản phẩm, việc báo cáo thường xuyên và liên tục như thế này là rất cần thiết.

 

“Điều quan trọng nhất là bảo vệ khách hàng. Mặc dù, hiện nay nguồn thu của nhiều công ty chứng khoán giảm, lợi nhuận thấp, khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện. Đây là chuyện tiên quyết đối với công ty chứng khoán trong 1 năm thực hiện, nếu khó khăn, Vụ Quản lý kinh doanh sẽ giải đáp và xử lý”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.


VNE

Tin cùng chuyên mục