Chủ đề chính của cuộc giao lưu là câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt vượt qua những gã khổng lồ trên thị trường quốc tế và bí quyết dường như chỉ vỏn vẹn ở hai cụm từ khóa: Hãy bước đi với tinh thần không sợ hãi và luôn giữ tâm thái làm chủ mọi nguồn lực được giao.
Chuyện của người thành công
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, doanh nhân là một nghề rất đẹp, bởi đó là nghề có thể mang lại sự ấm no cho mỗi nhà và góp sức cho sự phồn thịnh của dân tộc. Muốn làm doanh nghiệp, muốn vươn ra biển lớn, theo ông Bình, nhất thiết người lãnh đạo phải có thực lực và phải sống với tinh thần KHÔNG SỢ HÃI.
“Nếu bạn vượt qua được nỗi sợ hãi và dám hành động với sự thật tâm thì khát vọng của bạn sẽ thành hiện thực. Phần thưởng của bạn là niềm tự hào vô biên của những người mang dòng máu Việt dám khát vọng, dám làm và làm đến thành công”, ông nói.
Nhưng làm thế nào để SỐNG KHÔNG SỢ HÃI? Ông Bình không trả lời câu hỏi này mà chỉ chia sẻ, ông nhận ra nét tương đồng giữa Tân Hiệp Phát và FPT khi cả hai đều vận hành với khát vọng lớn và tinh thần KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ.
FPT được sinh ra trong khó khăn nên chẳng sợ gì, còn Dr.Thanh (doanh nhân Trần Quí Thanh) đã được tôi luyện bản lĩnh, sự kiên cường trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cậu bé mồ côi mẹ khi 9 tuổi, phải sống trong Cô Nhi Viện, phải chịu những sự khắc nghiệt của cuộc sống đã tôi luyện nên một tinh thần thép ở Dr. Thanh.
Thương trường như chiến trường, nhưng với ông, đó là lẽ sống. Ở Tân Hiệp Phát, có lẽ không thành viên nào không thuộc bài hát được phổ nhạc từ bài thơ viết về ông chủ với những lời thơ như gắn với định mệnh của ông:
“Đã trót mang trong mình dòng máu chiến binh
Không thể khác, không đầu hàng thất bại
Khoảnh khắc một con người trở nên vĩ đại
Dám đứng lên mơ ánh sáng trời xa
Dấn thân
Dẫu biết những hiểm nguy có thể xô gục ngã
Bởi hôm nay và hôm qua
Đi giữa thời gian
Chúa đã chọn ta là người thắp lửa”.
Điều những người muốn ra đấu trường lớn đều không thể thiếu là phải luyện tinh thần không biết sợ. Nếu như đến năm 2018, FPT đã có sự hiện diện của mình tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thì sản phẩm của Tân Hiệp Phát cũng đã đặt chân đến gần 20 thị trường quốc tế và đang thực thi một chiến lược mới:
Mở rộng nhà máy, phát triển sản xuất ở nước ngoài, dám cạnh tranh với các hãng nước giải khát hàng đầu thế giới để khẳng định thương hiệu trà Việt, khẳng định chính mình.
TS. Võ Trí Thành, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo bản tiếng Anh cuốn sách “Competition with Gians” mà con gái Dr. Thanh - Trần Uyên Phương là tác giả chính, chia sẻ, cuốn sách ra đời rất hợp thời cuộc khi câu chuyện vượt qua người khổng lồ bắt đầu được biết đến ở Việt Nam.
Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bắt kịp, đi cùng mà phải tìm cách vượt qua gã khổng lồ, thậm chí là những gã khổng lồ quốc tế mới có thể khẳng định mình và tồn tại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các doanh nghiệp Việt dù muốn dù không cũng phải đón nhận sự hội nhập bằng 4 tâm thế: Mở cửa đón tiếp các tập đoàn đa quốc gia/học hỏi họ/cạnh tranh với họ/chiến thắng họ.
Chiến thắng không phải ngẫu nhiên
Xuất phát từ câu chuyện của FPT, ông Bình chia sẻ, thành quả mà một doanh nghiệp tư nhân có được hoàn toàn không phải câu chuyện ngẫu nhiên. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải có lòng ám ảnh về khách hàng, phải tạo cho khách hàng những giá trị mà người khác không thể tạo được.
Đã là doanh nhân, bạn phải trả lời câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp tồn tại? Doanh nghiệp tồn tại để làm gì, phục vụ ai và mang lại lợi ích cho ai? Chính lòng ám ảnh khách hàng tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có những sức mạnh khác. Với người Việt Nam, đó là tinh thần đồng đội. Cái gì cũng team work, cũng chia sẻ, cũng giúp đỡ… Trí thông minh của người Việt phải được phát triển trong cuộc tranh luận nhóm và ông Bình cho rằng, đây là một lợi thế nếu doanh nghiệp biết tận dụng tính chất này.
Trong tư duy của ông chủ Tân Hiệp Phát, ngay từ khi còn là một chàng trai vô sản, ông chưa từng nghĩ đến việc đi làm thuê. Lúc nào khát vọng làm chủ cũng chảy trong trái tim ông và vì thế, ông sẵn sàng dành mọi nguồn lực cho khát vọng của mình.
Từ kinh nghiệm cuộc đời mình, ông khuyên các bạn trẻ hãy xác định tâm thế làm chủ ngay khi làm thuê, làm mọi cách để biến những nguồn lực hiện có thành giá trị.
Trên thế giới, Heniken, Walmart, Samsung, Oracle… là những công ty gia đình thành công với giá trị doanh nghiệp được định giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD. Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm Đổi mới cũng đã hình thành nên một lớp các công ty gia đình (như Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Minh Long, DOJI…), nhưng số lượng còn rất mỏng. Xây một doanh nghiệp đã khó, nhưng giữ vững ngọn lửa phát triển và cống hiến còn khó hơn nhiều.
Làm thế nào để tồn tại, để phát triển vươn lên và khích lệ cộng đồng doanh nghiệp cùng bước lên, đó là trăn trở chung của những doanh nhân có khát vọng sống trọn vẹn với nghiệp kinh doanh.
Trong câu chuyện tương lai, Chủ tịch FPT chia sẻ, cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra những thay đổi lớn chưa từng có. Nếu không hiểu về 4.0, không vận dụng nó thì không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà gã khổng lồ cũng sụp. 4.0 thúc đẩy sự chuyển động nhanh chóng và mạnh mẽ của nền sản xuất và thương mại toàn cầu thông qua trí tuệ nhân tạo. “Chúng ta mới chỉ vượt qua những gã khổng lồ trong quá khứ, nhưng còn những gã khổng lồ của tương lai, đó còn là một ẩn số”, ông nói.
Nhưng dù 4.0 mang lại sự thay đổi nào đi nữa thì mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống và mỗi ngày qua đi, dù bạn là bất kỳ ai đi nữa, cũng đều không thể sống lại thêm lần nào. Sống không sợ hãi và sống với trọn vẹn nỗ lực là thông điệp mà các ông chủ lớn muốn truyền tải đến các bạn trẻ đang trên đường tìm lối đi.
Trong câu chuyện của các ông chủ tỷ USD, thương trường có cam go và tàn khốc đến thế nào thì cũng không thể làm tâm thái sống của người làm chủ lùi bước. Phần thưởng cho nỗ lực ấy là cảm nhận thênh thang của sự khám phá. Ra biển lớn không phải dễ, nhưng không ra thì không thể biết đại dương.
Ta cứ sống như trẻ thơ để thấy mọi điều tốt đẹp
Ta cứ sống như cuộc chơi, không tiếc nuối, đợi chờ
Ta cứ sống với giấc mơ êm đềm luôn trong trái tim…
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Nếu thương vụ Coca-Cola trả giá Tân Hiệp Phát 2,5 tỷ USD mà thành công thì vào thời điểm năm 2012, đây sẽ là thương vụ ghi dấu ấn kỷ lục tại Việt Nam.
Nhưng vì sao Tân Hiệp Phát không bán và quan điểm chọn lựa nhà đầu tư chiến lược nên như thế nào, là những câu hỏi tôi rất trăn trở muốn biết. Khi đọc cuốn sách “Vượt qua người khổng lồ”, tôi mới nhận ra, trong M&A có một khoảng không gian rất đặc biệt, đó là không gian và nghệ thuật đàm phán.
Tôi rất khâm phục tinh thần của một doanh nghiệp Việt Nam (Tân Hiệp Phát) khi dám từ chối lời đề nghị từ gã khổng lồ Coca-Cola để tự đứng lên, sau 6 năm, thậm chí dám vươn ra chính thị trường bản địa của Coca-Cola (thị trường Mỹ) để cùng cạnh tranh với khát vọng chiến thắng.