Tín dụng USD tăng mạnh
Trong khi lãi suất huy động tiền gửi bằng USD của các ngân hàng Việt Nam ở mức 0%, kém hấp dẫn đối với nguồn tiền nhàn rỗi bằng ngoại tệ, thì tăng trưởng tín dụng và huy động vốn bằng USD đều ở trạng thái dương.
Trong 8 tháng, tín dụng ngoại tệ tăng 11,5%, song tỷ giá vẫn được kiểm soát ổn định.
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 8/2017, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016; đáng lưu ý là tín dụng ngoại tệ tăng 11,5%, cao hơn so với cùng kỳ (ở mức 1,7%).
Chính thực tế trên tạo ra lo ngại rằng, khả năng những tháng cuối năm, khi nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp tăng, sẽ tạo áp lực cho tỷ giá.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngoại hối và Thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho rằng, về lý thuyết, nguồn vốn sẽ tìm đến chỗ nào có lãi suất hấp dẫn, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tái tăng lãi suất.
Trước xu hướng tín dụng ngoại tệ gia tăng khi lãi suất huy động USD không còn hấp dẫn, nguồn cung để các ngân hàng đáp ứng cầu là huy động vốn bằng ngoại tệ từ nước ngoài bằng cách vay USD, đồng thời nguồn vốn thanh toán ngoại tệ của các doanh nghiệp luôn được duy trì để cho vay.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Sơn cũng đưa ra đánh giá, tín dụng ngoại tệ tăng, nhưng không có nghĩa nhiều doanh nghiệp được sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, mà đây được xem là một loại hình tín dụng ưu tiên của ngân hàng với doanh nghiệp đủ điều kiện vay.
Áp lực tỷ giá cuối năm có đáng lo?
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho hay, hiện VND là đồng tiền có tính ổn định nhất trong khu vực, nên HSBC cũng nhận thấy, không có áp lực gì lớn lên tỷ giá trong năm nay. Tuy nhiên, trong năm sau, sẽ khó có thể nói trước được tình hình tỷ giá thế nào, nhất là khi Fed tiếp tục lộ trình tăng thêm lãi suất USD như đã đề ra.
Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, tỷ giá vẫn được kiểm soát ổn định những quý đầu năm, nên khả năng khó có biến động nhiều, kể cả khi Fed tiếp tục triển khai lộ trình tăng thêm lãi suất. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện hơn 40 tỷ USD, còn nguồn kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp - gián tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam…
Áp lực lên tỷ giá cuối năm 2017 không lớn, cho dù đây là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp, bởi nguồn cung về ngoại tệ vẫn khá dồi dào để đáp ứng nhu cầu.
Dù đầu năm 2017, các dự báo đưa ra rằng, tỷ giá tiền đồng sẽ biến động không dưới 3%, nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, xu hướng tỷ giá sẽ khó biến động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngoại tệ cần thận trọng với rủi ro biến động tỷ giá.
Ông Ngô Đăng Khoa thì cho rằng, so với các đồng tiền khác trong khu vực, tiền đồng đang yếu đi, bởi các nước đã tăng giá đồng nội tệ khoảng 5% so với USD. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá khoảng 2-3%/năm để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn tạo sức cạnh tranh cho xuất khẩu, thì tỷ giá tiền đồng cũng phải tăng ở mức tương đương với tỷ giá ở các nước trong khu vực.
“Tôi cho rằng, vào từng thời điểm khác nhau, tỷ giá sẽ chịu áp lực nhất định. Nhưng áp lực lên tỷ giá cuối năm 2017 không lớn, cho dù đây là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp, bởi nguồn cung về ngoại tệ vẫn khá dồi dào để đáp ứng nhu cầu”, ông Khoa nói.