Lâu nay chúng ta vẫn nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư, xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế. Bằng chứng là các thủ tục cấp phép dự án kéo dài, trong đó có nhiều dự án, thủ tục hành chính kéo dài đến vài năm, trong khi đến giai đoạn xây dựng thì rất nhanh.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế chung, cũng như làm ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư.
Vấn đề là ở bộ máy hành chính. Nhiều báo cáo, chúng ta đã đánh giá một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm trước yêu cầù của doanh nghiệp và người dân. Chúng ta phải nhìn nhận lại, doanh nghiệp không phải là đối tượng quản lý, mà là đối tượng phục vụ, như vậy may ra bộ máy hành chính với đổi mới cách phục vụ được.
Từng là Thứ trưởng Bộ Xây dựng và đã tham gia cố vấn cho nhiều dự án, ông có gặp nhiều dự án bị kéo dài?
Có chứ. Tôi nhớ khi tôi còn ở Bộ Xây dựng, có nhà đầu tư nước ngoài muốn lập dự án đầu tư xây dựng khách sạn nhỏ, loại khách sạn mini, ở Huế. Khi đó, có cơ quan phản đối, bởi cho rằng khu vực đó cần bảo tồn.
Nhưng thực tế thì khu vực đó không nằm trong quy hoạch bảo tồn. Tôi cho rằng, nếu cần bảo tồn thì đưa vào quy hoạch, nếu không nằm trong quy hoạch thì nên cho đầu tư, chỉ cần xem xét hạn chế chiều cao cho phù hợp là được.
Cuối cùng, địa phương cũng chấp thuận chủ trương, nhưng khi đi vào nghiên cứu lập dự án, nhà đầu tư bị khó dễ, thủ tục hành chính kéo dài và sau đó họ đành phải bỏ cuộc.
Một dự án khác, Dự án Le Mont Ba Vì mà gần đây báo chí phản ảnh nhiều. Từ những năm 2000, tôi đã theo đoàn của Thủ tướng lên Ba Vì, xem xét khu vực này và các phế tích biệt thự thời Pháp.
Lúc nào cũng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, thành ra kéo dài thủ tục, không phê duyệt cho doanh nghiệp, rồi cứ "đá bóng" giữa các cơ quan, chờ cơ quan này có ý kiến, chờ ngành kia thẩm định.
Đây là khu vực rất có giá trị về du lịch, cảnh quan đẹp, khí hậu thoáng mát, đặc biệt là cốt 600, cốt 800. Khi đó, tôi phát biểu ý kiến là khu vực này nên khai thác để phục vụ người dân Thủ đô và cả du khách nước ngoài, nhưng cần học người Pháp ở mức độ, mật độ xây dựng, chỉ nên xây dựng trên nền biệt thự cũ. Thậm chí, một số biệt thự cần giữ lại, làm dấu tích lịch sử. Ở rừng làm to thì mất tỷ lệ, làm dày thì không còn rừng. Yêu cầu là các biệt thực không được xây lớn, chỉ làm vừa phải, lẩn trong rừng.. Vậy mới có giá trị.
Từ thời kỳ đó, các lãnh đạo cao cấp nhất của Chính phủ đã đồng tình với chủ trương đầu tư. Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì, bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên.
Sau này, có doanh nghiệp xin đầu tư và bắt đầu các thủ tục từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Chủ trương có hàng chục năm, quy hoạch chi tiết cũng có, vậy mà thủ tục kéo dài.
Chúng ta vẫn nói là đầu tư không hiệu quả, chính cái này góp phần làm giảm sút hiệu quả của đầu tư xã hội. Nếu dự án sớm được cấp phép, đi vào hoạt động thì đồng vốn quay vòng nhanh, suất đầu tư giảm và từ đó xã hội được lợi khi giá cả các dịch vụ, sản phẩm sẽ rẻ hơn.
Nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước kéo dài thời gian cấp phép nhưng không hướng dẫn chủ đầu tư còn thiếu gì, cần bổ sung gì. Vì sao lại như vậy?
Có đôi khi, vì nhiều lý do, người ta không biết phải làm sao, trở đi cũng dở, trở lại cũng vướng. Cơ quan quản lý không biết có nên cho làm hay không. Lúc nào cũng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, thành ra kéo dài thủ tục, không phê duyệt cho doanh nghiệp, rồi cứ "đá bóng" giữa các cơ quan, chờ cơ quan này có ý kiến, chờ ngành kia thẩm định.
Tôi lấy ví dụ Dự án Le Mont ở trên, Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tức là cơ quan quản lý đã chấp thuận Dự án. Các yếu tố mật độ, quy mô, chiều cao đều được phê duyệt. Còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật, giải pháp xây dựng. Người ta đã nộp hồ sơ xin cấp phép nhưng 10 tháng nay không phê duyệt.
Nhiều dự án khác cũng bị kéo dài do thời gian cấp phép. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn, bởi họ phải đi vay vốn, phải trả lãi ngân hàng, phải chịu sức ép của khách hàng yêu cầu phải bàn giao nhà đúng thời hạn.
Theo tôi, nếu hồ sơ thủ tục đã đủ thì cơ quan nhà nước phải cấp phép. Nếu không đủ năng lực thẩm định thì mời chuyên gia cùng tham gia thẩm định. Chúng ta đã có quy định về thời hạn xét duyệt các hồ sơ. Nếu đến hạn mà không phê duyệt, không trả lời thì coi như cơ quan quản lý đã chấp thuận.
Hồ sơ không phê duyệt, không trả lời, dự án kéo dài, thiệt hại này ai chịu trách nhiệm? Ai bồi thường cho nhà đầu tư về thời gian chờ đợi. Chỗ này cần sòng phẳng trách nhiệm Nhà nước đối với doanh nghiệp.