Ông có nhìn nhận như thế nào về việc thị trường gần đây “rung lắc” mạnh sau nhịp tăng kéo dài 3 tháng?
Thị trường chứng khoán đã có nhịp tăng tích cực với VN-Index tăng hơn 12% kể từ đầu năm 2024 đến nay. Vì vậy, những phiên điều chỉnh ngắn hạn xuất hiện là sự điều chỉnh kỹ thuật bình thường của thị trường.
Xét dài hạn, thị trường vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như kinh tế Việt Nam năm 2023 duy trì ổn định và có triển vọng tích cực hơn trong bối cảnh thế giới biến động khó lường; mặt bằng lãi suất trong nước giảm mạnh giúp tăng sức hấp dẫn cho các thị trường đầu tư nói chung, đặc biệt là thị trường chứng khoán; biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát nhờ nguồn dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại; khả năng thị trường được nâng hạng ngày càng rõ nét…
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) |
Giai đoạn hiện tại, ông có cho rằng, thị trường vẫn thích hợp cho việc lướt sóng ngắn hạn?
Trong góc nhìn nửa đầu năm 2024, tôi đánh giá sẽ có nhiều yếu tố tạo động lực cho thị trường. Tại cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ vững quan điểm về việc sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay, tạo nên sự kỳ vọng về thay đổi xu hướng chính sách của cơ quan này, qua đó tạo động lực tăng cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong nước, cuối quý I, đầu quý II/2024, kế hoạch kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp niêm yết sẽ được hé lộ thông qua mùa đại hội cổ đông, dự kiến nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù vậy, sự phân hóa giữa các ngành và cổ phiếu đang ngày một rõ nét hơn. Do đó, đầu tư theo một danh mục đầu tư bao quát, với tỷ trọng cổ phiếu, ngành thích hợp có thể mang lại lợi nhuận phù hợp, cân bằng với yếu tố rủi ro ngắn hạn.
Theo ông, nhóm cổ phiếu/doanh nghiệp nào đáng quan tâm đầu tư?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng cao hơn VN-Index trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay (16,4% so với hơn 12%), nhưng vẫn còn dư địa tăng. Định giá P/E và P/B của ngành này đang lần lượt ở mức 10,02 lần và 1,62 lần, cao hơn so thời điểm cuối năm 2022 khoảng 10%, nhưng thấp hơn so với mức trung bình 10 năm qua (P/E là 12,2 lần, P/B là 1,85 lần).
Nếu động lực cho thị trường chứng khoán năm 2024 được kỳ vọng sẽ nằm ở tăng trưởng kinh tế và nền lãi suất thấp thì khả năng cao là cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ còn nhiều cơ hội để dẫn dắt thị trường, bởi triển vọng chi phí giá vốn rẻ hơn, biên lãi ròng phục hồi, tín dụng được đẩy mạnh, dẫn tới lợi nhuận tăng trưởng. Chúng tôi dự báo, lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng năm 2024 có thể tăng 15% so với mức nền tăng trưởng thấp (3,8%) của năm 2023 và mức định giá ước tính năm nay của cổ phiếu vẫn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nền lãi suất thấp như hiện tại.
Vốn hóa nhóm ngân hàng hiện đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 31,5% vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, biến động của các cổ phiếu ngân hàng sẽ tác động lớn đến chỉ số chung và tâm lý thị trường trong năm 2024.
Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, được thừa kế nền tảng từ việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm trong năm 2023, cùng với điểm sáng thu hút FDI năm 2023 và triển vọng năm 2024 có khả năng tác động tích cực tới lĩnh vực bất động sản công nghiệp (giá cho thuê đang có xu hướng tăng do nguồn cung mới không còn nhiều) và lĩnh vực hạ tầng, bên cạnh đó là một số doanh nghiệp nhóm vật liệu xây dựng.
Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, bức tranh kinh doanh năm 2023 cho thấy cơ cấu doanh thu có sự thay đổi đáng kể. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dần sự phụ thuộc vào tăng trưởng quy mô tài sản và chi phí giá vốn vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá trị các tài sản tài chính phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường chứng khoán và nền lãi suất huy động thực tế (tác động tới giá trị chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp, kỳ vọng năm 2024 sẽ khó hạ lãi suất nền như năm 2023). Tôi đánh giá, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính có triển vọng trong năm 2024, nhưng mức độ phân hóa có thể sẽ mạnh mẽ, cần được lựa chọn một cách cẩn thận.