Không nên siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia cho rằng, làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp không nhất thiết phải thắt chặt các quy định. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ cần bổ sung quy định nhà phát hành phải công bố bản cáo bạch nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra các công cụ để nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn, ví dụ lộ trình sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư, có từng mốc thời gian nhất định, có báo cáo tiến độ thực hiện theo từng quý, từng năm…; làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi, phương pháp tính lãi suất; nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành sử dụng.

Về xếp hạng tín nhiệm, cần bổ sung vào Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình phương pháp xếp hạng tín nhiệm; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC; có thể chia mức độ xếp hạng tín nhiệm thành 2 nhóm “Đầu tư” và “Không đầu tư” để các nhà đầu tư nhận diện được mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành lập một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm, kiểm soát việc tuân thủ các quy định và kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước

Dường như quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ. Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được thị trường trái phiếu lành mạnh, đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2025.

Về tổng thể, cách tiếp cận thị trường phải mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường, cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn, giữa rủi ro và phát triển thị trường.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định hạn mức vay nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu không quá 3 lần vốn chủ sở hữu, cách tiếp cận đó là chưa phù hợp. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có hệ số vay nợ khác nhau, ví dụ ngành thương mại được tài trợ 70%, còn 30% là vốn tự có, lĩnh vực công nghiệp là 50 - 50%. Chúng ta cần phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, chứ không nên cào bằng như nhau.

Việc kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không khả thi. Cần kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nhưng không thể phân biệt “đồng này mua mắm, đồng này mua tương”, nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định 3 điều kiện với tổ chức phát hành gồm: kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu.

Với bên mua, dự thảo quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán.

Các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ khiến nhà đầu tư chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ như kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn, hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức.

Về vấn đề quản lý dòng vốn, mục đích vay, dự thảo quy định, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn. Quy định như vậy không phù hợp với nguyên tắc quản trị của tập đoàn (công ty mẹ có uy tín đảm nhận việc phát hành trái phiếu sau đó cho công ty con vay), hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp và cản trở hoạt động M&A.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Hiện nay, Điều 11 Luật Chứng khoán quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp có 2 điểm bất cập.

Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp, nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Cụ thể, quy định cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào? Theo Luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Và trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi thêm lần nữa, bổ sung quy định mới về năng lực chuyên môn… Khi đó, nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng (họ mua trái phiếu ở thị trường sơ cấp rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp) có quyền công nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định như thế sẽ có xung đột lợi ích, vì nếu công ty chứng khoán muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tôi đề nghị Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11, Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt là giải quyết dứt điểm các vụ việc lùm xùm vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Đồng thời, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp: sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.

Bên cạnh đó, xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, tăng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành như xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ…).

Đặc biệt, hoàn thiện hạ tầng của thị trường như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính; đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Cần ứng xử hài hòa khi sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, làm sao tăng cường quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ nhất, không nên thúc ép xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt, chúng ta nên quy định theo cách đánh đổi, nếu như anh có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc chỉ cần thêm 1 - 2 điều kiện, bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện khác.

Thứ hai, nhiều người nói rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt. Quan điểm của tôi là hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát hành dư nợ trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu. Mua trái phiếu doanh nghiệp là đầu tư, lợi nhuận đi kèm rủi ro theo cơ chế điều chỉnh của thị trường.

Về cách thức công khai thông tin, theo tôi, đầu tiên phải đi từ website của công ty, cùng với đó là công bố trên một số phương tiện thông tin đại chúng để thị trường giám sát. Không có gì giám sát tốt bằng thị trường, Nhà nước chỉ là một trong những công cụ giám sát.

Ngoài ra, sửa đổi cơ chế xử phạt, tăng mức độ xử phạt, không giới hạn phạt hành chính.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục