Không nên quan niệm tín dụng xanh là nguồn vốn rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu tín dụng xanh của cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, bởi đây không chỉ là xu thế mà còn là vấn đề “sống còn”. Tuy nhiên, theo đại diện HSBC, không nên có quan niệm tín dụng xanh là nguồn vốn rẻ.
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam

Tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, HSBC đã thu xếp được 2 tỷ USD sau gần 2 năm thực hiện.

Trong quá trình làm việc cùng các định chế tài chính, chính phủ, nhà quản lý, khách hàng, HSBC nhận thấy nhu cầu vốn tín dụng xanh rất lớn, đây vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm xuất khẩu đang chuyển đổi để phù hợp với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn xanh thì còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế.

Chia sẻ cụ thể hơn về các tiêu chuẩn, bà Nga cho biết, đối với HSBC, việc cung cấp một khoản vay cho khách hàng phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt và phải tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội thị trường cho vay châu Á - Thái Bình Dương. Các tiêu chuẩn này cao hơn so với các ngân hàng trong nước.

“Khi xem xét dự án của khách hàng, ngoài tiêu chuẩn tín dụng xanh nghiêm ngặt của Ngân hàng, chúng tôi còn xem xét tham vọng và sự nghiêm túc của doanh nghiệp đối với dự án xanh nói riêng cũng như phát triển bền vững nói chung”, bà Nga nói và cho biết thêm, trong bối cảnh này, cách tiếp cận của HSBC sẽ theo hướng hỗ trợ đưa chuyên gia nước ngoài, kết nối NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường, và cộng đồng doanh nghiệp… với các chuyên gia để lắng nghe chia sẻ từ các thị trường thành công, cũng như chính bản thân tiêu chuẩn của HSBC với các thị trường.

Đáng chú ý, bà Nga chia sẻ, không nên có quan niệm tín dụng xanh là nguồn vốn rẻ.

“Doanh nghiệp phải đánh giá đây là khoản đầu tư cho tương lai, vì mục tiêu phát triển bền vững và các lợi ích chung. Ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ về thời hạn và điều kiện cho vay, chi phí cho vay, nhưng vẫn phải đánh giá đây là một khoản đầu tư và không phải nguồn vốn rẻ”, bà Nga cho biết.

Thực tế, HSBC đã dẫn dòng vốn xanh vào thị trường Việt Nam từ trước khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26. Với quá trình thực hiện các thương vụ tư vấn, thu xếp vốn xanh, những vướng mắc thường gặp bao gồm việc nội tại nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng đắn về phát triển bền vững và việc thiếu tiêu chí, chuẩn mực về sản xuất xanh, danh mục xanh.

“Các ngân hàng đều đang trông chờ vào bộ tiêu chí và danh mục xanh để xác định hoạt động cấp tín dụng. Về phía doanh nghiệp, họ cũng chờ bộ tiêu chí để biết mình cần làm gì. Hiện tại, HSBC đã thiết lập tiêu chí nội bộ và kết nối chuyên gia để có các tiêu chí tương thích với thị trường quốc tế. Các tiêu chuẩn này khá khắt khe và nhiều khách hàng chưa đáp ứng được, khiến lộ trình hỗ trợ khách hàng mất nhiều thời gian và chi phí bởi phải đưa thêm các bên thứ ba tư vấn cho khách hàng”, bà Nga chia sẻ.

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục