Không nên quá lo sợ về khả năng các quỹ bán ra

(ĐTCK) Các ETFs đang đi vào giai đoạn cuối bán ra, lực bán sẽ không mạnh và sẽ sớm ổn định lại trong các phiên tới đây.

>> Phiên 3/9: Niềm vui qua mau

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 4/9.

Sóng hồi phục không thực sự hứa hẹn trong ngắn hạn

(CTCK ACB - ACBS)

Lực cầu yếu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam không thể kéo dài sự hồi phục dù các chỉ số chứng khoán châu Á tăng mạnh. Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,11% còn 472,17 điểm trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn 0,89% xuống 60,65 điểm.

Tổng khối lượng trên cả hai sàn giảm 20%, đạt 42 triệu cổ phiếu, giá trị gần 1.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 35 tỷ đồng trên HOSE trong khi mua ròng nhẹ 330 triệu đồng trên HNX.

Quay lại thị trường chứng khoán, tỷ lệ dư nợ margin so với vốn hóa đã giảm dù thị trường giảm sâu hơn trong tuần trước, cho thấy nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ mạnh tay hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức cao, thể hiện lượng cung cổ phiếu cao đang chờ đợi khi thị trường phục hồi. Trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm thì lượng cung này có thể làm thị trường tồi tệ hơn.

Mặc dù đà giảm của các chỉ số đã giảm rất nhiều trong phiên 3/9, nhưng lực cầu yếu là yếu tố đáng lo ngại. Nếu không có sự lội ngược dòng của GAS và VNM thì VN-Index có thể mất nhiều điểm hơn. Về mặt kỹ thuật, mô hình Hammer trên VN-Index và Bullish Engulfing trên HNX-Index hình thành ngay các mức hỗ trợ cho thấy khả năng hồi phục của các chỉ số. Tuy nhiên, xem xét các yếu tố, chúng tôi cho rằng, sóng hồi phục này có thể không thực sự hứa hẹn trong ngắn hạn.

 

Có thêm một nhịp bán nhẹ mới xuất hiện

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 không có nhiều diễn biến mới, ngoại trừ việc chỉ số PMI tháng 8 được đạt mức cao nhất trong 4 tháng gần nhất được công bố. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thông tin này cùng với việc mã cổ phiếu VNM, GAS được khối ngoại mua ròng cũng không giúp thị trường duy trì được đà tăng như trong phiên cuối tuần trước.

Thanh khoản trong ngày 3/9 sụt giảm mạnh, một phần cho thấy sự cân bằng hơn của cả bên bán lẫn bên mua, một phần vì giao dịch của khối ngoại ở phiên này cũng không lớn. Việc thanh khoản của thị trường giảm mạnh cho thấy bên bán đang cố gắng giữ cổ phiếu chờ đợi tín hiệu hồi phục từ thị trường. Còn phía mua, rõ ràng thị trường này chưa có một yếu tố nào đủ thuyết phục để mua vào nắm giữ. Vì thế họ vẫn lựa chọn hành động là tiếp tục quan sát thị trường và chờ đợi cơ hội thực sự. Còn đối với những NĐT bắt đáy tuần trước, có vẻ như cơ hội để bán ra với giá cao hơn đang xa dần và việc mua thêm vào sẽ tạo thêm áp lực.

Với những yếu tố trên, nhiều khả năng thị trường trong phiên ngày 4/9 vẫn sẽ không có đột biến đáng kể nào và thanh khoản sẽ tiếp tục èo uột trước khi có thêm một nhịp bán nhẹ mới xuất hiện từ những NĐT bắt đáy vừa qua.

 

Nên chờ đợi thị trường cân bằng

(CTCK FPT - FPTS)

Nhìn chung, thanh khoản của thị trường vẫn là vấn đề đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại khi sụt giảm về thấp hơn mức trung bình của 5 phiên và là nguyên nhân gây khó khăn cho nỗ lực hồi phục của chỉ số. Phiên 3/9, mặc dù các cổ phiếu trụ cột là GAS, VNM vẫn giữ được mức tăng khá nhưng cũng không đủ để giúp duy trì sắc xanh của các chỉ số, việc đa số cổ phiếu thuộc VN30 nhanh chóng trở lại xu thế giảm sau phiên hồi phục kỹ thuật và diễn biến trong phiên khá ảm đạm đi kèm với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục cho thấy sự bất ổn của thị trường.

Những thông tin xấu từ thế giới, đặc biệt là về nguy cơ về cuộc chiến Mỹ - Syria vẫn đang tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường châu Á cũng như Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các quỹ ETF vẫn liên tiếp bị rút vốn cũng gây lo ngại đối với nhà đầu tư về khả năng trạng thái bán ròng của khối ngoại sẽ còn có thể tiếp diễn.

Nếu như những diễn biến trên vẫn không có sự thay đổi tích cực hơn thì thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới do trạng thái xấu hơn có thể sẽ xuất hiện khi nhà đầu tư cầm cổ tiếp tục mất kiến nhẫn khiến áp lực bán tăng trở lại.

Theo đó, với quan điểm thận trọng, chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đợi thị trường cân bằng cùng những diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản, quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường đặc biệt là động thái của nhà đầu tư nước ngoài.

 

Hạn chế mua ngắn hạn trong giai đoạn này

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch 3/9 thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với mức thanh khoản trở lại vùng thấp kỷ lục. Từ đầu phiên, hiện tượng trái chiều giữa hai chỉ số sàn niêm yết đã xuất hiện do những biến động mang tính chất phục hồi kỹ thuật trên các cổ phiếu có vốn hóa lớn như BVH, VIC, VCB, CTG v.v… Điều này giúp VN-Index có lức tăng hơn 0,5% trong khi đó HNX-Index vẫn ảm đạm và giảm dần trong suốt buổi sáng.

Khôi ngoại tiếp tục duy trì đà bán mạnh từ cuối tuần trước với mức bán ròng gần 2,5 triệu đơn vị trên HOSE, so với mức thanh khoản chỉ hơn 24 triệu cổ phiếu khớp lệnh của toàn sàn HOSE thì mức bán ròng của NĐT nước ngoài cũng có những tác động nhất định tới diễn biến thị trường. Độ rộng của HOSE thu hẹp rất mạnh với gần 80% số mã giảm giá và đứng giá, trên HNX, số cổ phiếu tăng giá chỉ chiếm 3% toàn lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Về mặt kỹ thuật, chúng tôi cho rằng, khu vực 470 điểm có khả năng sẽ là vùng hỗ trợ mạnh đối với chỉ số VN-Index. 470 điểm tương ứng với vùng fibonacci 38,2%, xấp xỉ 1/3 sóng tăng trước đó. Khu vực 470 đã có 4 điểm chạm của VN-Index và được kiểm chứng nhiều lần. Điều này cho thấy khả năng về sự dao động quanh 470 điểm có thể diễn ra vài ngày, nhưng thanh khoản yếu cùng với sự thận trọng của dòng tiền đang cho thấy những phản ứng phục hồi kĩ thuật khá yếu của chỉ số, trong đó tác động chính lại do các mã vốn hóa lớn. Ngoài ra chúng tôi cũng quan ngại về việc xu hướng bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục, hạn chế việc bắt đáy và các giao dịch mua ngắn hạn trong giai đoạn này.

 

Không nên quá lo sợ về khả năng các quỹ bán ra

(CTCK BIDV - BSC)

Diễn biến thị trường trong phiên 3/9 chưa cung cấp thêm tín hiệu mới về xu hướng. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nhận định trong báo cáo cuối tuần trước. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, không nên quá lo sợ về khả năng các quỹ bán ra.

Các ETFs đang đi vào giai đoạn cuối bán ra, lực bán sẽ không mạnh và sẽ sớm ổn định lại trong các phiên tới đây là cơ sở cho tâm lý thị trường ổn định lại.

 

Động lực giá tăng chưa mạnh

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Có thể thấy lực cầu mạnh tại khu vực 460s, nhưng động lực của người mua yếu đi rõ rệt khi giá lên tới khu vực trên 470s điểm. Từ mức cao nhất trong ngày tại 477 điểm, VN-Index đóng cửa xuống 1% tại mức 472 điểm. Đáng chú ý hơn, khối lượng giao dịch hạ xuống 25 triệu cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 45 triệu trong vòng 50 ngày gần nhất. Chúng tôi xem điều này như dấu hiệu của động lực giá tăng chưa mạnh và tâm lý của các nhà đầu tư vẫn thiên về thận trọng hơn là đã chấp nhận rủi ro hơn.

Khối ngoại bán ròng khoảng 2,7 triệu cổ phiếu trong phiên. Họ tập trung vào bán các mã quen thuộc, trong đó nổi bật là hai mã liên tục bị bán ròng BVH và VCB.

Trong khi chúng tôi cho rằng 460s có vai trò kỹ thuật nổi bật, việc thị trường giữ được mức này dường như phụ thuộc nhiều vào cường độ bán của nước ngoài trong giai đoạn hiện tại còn mạnh mẽ nữa hay không. Vẫn có khả năng MSCI EMs Index tiếp tục rớt xuống và kích thích lực bán nước ngoài. Do đó, chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư đã mua vào tại khu vực hỗ trợ 460s không nên mua ở mức giá cao hơn. Họ nên tiếp tục canh chừng khu vực này và đặt 460 là mức dừng lỗ ngắn hạn.

 

Sẽ không có biến động quá lớn

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Sự thận trọng của nhà đầu tư đã kéo thanh khoản sụt giảm mạnh trong phiên hôm nay. Thực tế khi VN-Index còn đang lưỡng lự và test các ngưỡng hỗ trợ thì hạn chế giao dịch cũng là chiến lược đầu tư hợp lý. Nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư ngắn hạn bởi giai đoạn giao dịch giằng co theo hướng giảm dần chưa có dấu hiện chấm dứt.

Chúng tôi cho rằng phiên 4/9, thị trường không có biến động quá lớn cả về điểm số và thanh khoản. Thị trường tiếp tục giảm nhẹ và VN-Index sẽ cần thêm thời gian giao dịch giằng co, tích lũy quanh vùng giá hiện nay.

Tin cùng chuyên mục