Chỉ số xếp hạng có nhiều thay đổi
Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), một điều không thể phủ nhận là trong hầu hết các báo cáo về CNTT-TT, vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới đã sáng sủa hơn so với 5 năm trước đây. Nhận xét này một phần dựa trên một số chỉ số xếp hạng về CNTT-TT của Việt Nam trong thời gian qua.
Với Chỉ số Nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index - KEI và Knowledge Index - KI), công bố tháng 4/2007, trong số 132 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 99/132 về KEI, thứ 95/132 về KI - đều tăng 14 hạng so với năm trước đó.
Với Chỉ số Cơ hội CNTT, được xem là chỉ số đo mức độ phát triển xã hội thông tin của từng quốc gia, thay thế cho Chỉ số Xã hội thông tin (Information Society Index) do IDC và World Times thực hiện trước đây, do ITU (International Telecommunication Union) thực hiện và công bố vào tháng 2/2007, Việt Nam được 76,66 điểm, xếp thứ 111/183, gần cuối nhóm Medium, nhưng vẫn tăng 5 bậc và 11 điểm so với xếp hạng tương tự năm trước đó.
Với Chỉ số Cơ hội số - Digital Opportunity Index (DOI), Việt Nam bị tụt 3 bậc (đứng thứ 126/181), với điểm số 0,29 - chưa đạt được điểm số trung bình thế giới là 0,40. Riêng với Chỉ số Sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index - NRI 2006-2007), lĩnh vực được nhiều nhà ĐTNN quan tâm, Việt Nam tụt thêm 7 bậc. Chỉ số này do WEF công bố trong Global Information Technology Report hàng năm và được tính dựa trên ba yếu tố: môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho CNTT, sự sẵn sàng của cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ cho việc sử dụng và thụ hưởng CNTT, và mức độ sử dụng CNTT.
Một chỉ số khá quan trọng khác là Chỉ số Sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (E-Readiness), Việt Nam xếp hạng thứ 65 trong tổng số 69 nước - tăng 1 bậc so với năm trước (3,73 điểm - tăng so với 3,12 điểm của năm 2006). Như vậy, trong 7 chỉ số cơ bản, có 4 chỉ số được cải thiện, 3 chỉ số bị tụt hạng.
Và mới đây nhất, theo đánh giá của Tổ chức Thông tin kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU), với thang điểm 100, năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam chỉ đạt 19,9 điểm, đứng thứ 61/64 nước, chỉ xếp trên Iran (15,7 điểm), Nigeria (18,7 điểm) và Azerbaijan (18,8 điểm).
Chớ vội bi quan!
Đó là lời khuyên của TS. Nguyễn Quang A, Chủ tịch HĐQT Công ty 3C, trước những mối lo lắng về sự tụt hạng trong chỉ số năng lực cạnh tranh của CNTT Việt Nam . Ông Quang A cho rằng, việc các tổ chức truyền thông thế giới đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư CNTT, trong khi các chỉ số xếp hạng về CNTT - TT của Việt Nam lại xếp trong tốp cuối cùng không có gì là mâu thuẫn. Bởi lẽ, những chỉ số, dù tiêu chí đánh giá khác nhau, đều dựa trên thực tiễn Việt Nam . Còn việc Việt Nam có trở thành “điểm đến vàng” hay không thì chính thực tế hiệu quả thu hút đầu tư mới là điều cần kiểm chứng. Nói cách khác, tuy Việt Nam thu hút nhiều dự án ĐTNN trong lĩnh vực CNTT-TT truyền thông, nhưng cũng cần nghiêm chỉnh đánh giá xem giá trị gia tăng từ các đồng vốn đầu tư này cao hay thấp, và đó mới là điều quan trọng. Nếu đầu tư với số lượng lớn nhưng công nghệ không cao, chỉ tập trung sử dụng lao động, thì không nên khuyến khích, mà nên tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng ít lao động. “Đã đến lúc Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) hơn là thu hút đầu tư gia công sản xuất”, ông Quang A nói.
Mặt khác, theo TS. Lê Trường Tùng, cũng cần nhìn nhận một cách thấu đáo các chỉ số cạnh tranh về CNTT-TT của Việt Nam , qua đó nhận diện rõ hơn điểm yếu của mình. Vì trên thực tế, những lợi thế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được các cơ quan truyền thông nhắc đến hầu hết đều “mới chỉ là tiềm năng”. Về cơ bản, để những tiềm năng này trở thành hiện thực, việc cần làm ngay chính là đầu tư mạnh hơn nữa cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bài học của Ấn Độ, Trung Quốc về phát triển công nghệ cao đã rất rõ ràng, chỉ có nhân lực mới là chìa khóa giải quyết mọi bài toán cạnh tranh.