Không nên chặn tín dụng vào chứng khoán

(ĐTCK-online) Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK, chỉ nên hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán đối với những ngân hàng nào không đảm bảo an toàn trong hoạt động, thay vì cấm hết như hiện nay.
Thu nhập từ cổ tức cũng phải chịu thuế là vô lý Thu nhập từ cổ tức cũng phải chịu thuế là vô lý

Ở cương vị Phó chủ tịch UBCK, bà Vũ Thị Kim Liên nhận được nhiều câu hỏi vì sao TTCK Việt Nam lại thê thảm như vậy. "Tôi chỉ biết nói rằng, TTCK là tấm gương phản chiếu nền kinh tế và đôi khi chiếc gương đó phản chiếu một cách phóng đại. Bên cạnh đó là lòng tin của NĐT bị khủng hoảng dẫn đến chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh", bà Liên chia sẻ tại hội thảo "Tác động của TTCK lên thị trường tài chính Việt Nam - những khuyến nghị chính sách".            

Tính đến thời điểm này, trong số 813 cổ phiếu trên cả 3 sàn, khoảng 50% có giá thấp hơn mệnh giá, 74% có giá thấp hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng TTCK vẫn khẳng định được vai trò của mình. Bà Liên dẫn chứng, năm 2010, TTCK giúp các DN huy động vốn bằng hơn 10% dư nợ tín dụng, các ngân hàng cũng huy động được hơn 45.000 tỷ đồng qua kênh phát hành chứng khoán. TTCK là nơi phân bổ lại nguồn vốn theo hướng các DN làm ăn tốt, quản trị minh bạch hút vốn nhiều hơn những DN yếu kém. Nhiều DN vẫn đang nỗ lực lên sàn trong bối cảnh thị trường sụt giảm cho thấy, DN nhận thức được vai trò, lợi ích khi niêm yết.

Trước những khó khăn hiện nay, để TTCK đứng vững, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, theo bà Liên, cần có những chính sách "phản chu kỳ". "Khi thị trường tăng nóng, chúng tôi đã chủ động kiến nghị những biện pháp nhằm hạn chế dòng tiền từ tín dụng chảy vào chứng khoán. Nhưng khi thị trường 'nguội lạnh', giá chứng khoán giảm rất sâu như hiện nay, thay vì nới lỏng thì chính sách tiền tệ lại thực hiện siết chặt dòng tiền vào thị trường, làm nản lòng các NĐT", bà Liên nói. Theo bà Liên, chỉ nên hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán đối với những ngân hàng nào không đảm bảo an toàn trong hoạt động, thay vì cấm hết như hiện nay.

Chính phủ vừa kiến nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập từ chứng khoán, nhưng theo bà Liên, đó chưa phải là điểm cơ bản. Bà Liên dẫn chứng, ở Trung Quốc, có thời điểm nước này đánh thuế thu nhập 20% vào lãi suất tiền gửi nhằm khuyến khích đầu tư chứng khoán. Còn ở Việt Nam, không những không đánh thuế thu nhập từ tiền gửi ngân hàng, mà lại đánh thuế thu nhập từ cổ tức, thậm chí cổ phiếu thưởng cũng phải chịu thuế. Bà Liên kiến nghị bỏ loại thuế này hoặc cần có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường. "Thật không may cho NĐT, thời điểm xây dựng chính sách thuế thu nhập cá nhân, TTCK tăng nóng, nên nhiều người nghĩ rằng, kiếm tiền từ chứng khoán dễ và phải đánh thuế cao", bà Liên chia sẻ tâm tư.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) nêu lên một thực tế đáng buồn: số công ty có doanh thu thấp hơn năm trước đã tăng lên 83 (22%) năm 2010, so với 67 năm 2009 và 24 năm 2008. Số công ty có lợi nhuận âm cũng tăng lên 13 trong năm 2010, so với 8 năm 2009 và 9 năm 2008. Điều này cho thấy, việc mất giá của cổ phiếu không chỉ phản ánh khó khăn kinh tế vĩ mô, mà còn phản ánh chính nội tại của các DN. Chất lượng hàng hóa thấp là hệ quả của quá trình tăng trưởng nóng. Các công ty đại chúng niêm yết nhiều nhưng lại chưa có tổ chức định mức tín nhiệm, các sản phẩm chứng khoán phái sinh cho thị trường đến bây giờ vẫn trong giai đoạn thai nghén, thị trường cổ phiếu ảm đạm nhưng thị trường trái phiếu chưa thể thay thế.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho TTCK, ông Trung cho rằng, nền kinh tế phát triển cần nguồn vốn huy động từ hai kênh là ngân hàng và TTCK. Nhưng tại Việt Nam, DN hiện vẫn huy động vốn chủ yếu qua ngân hàng, do đó cần có chính sách để thúc đẩy hơn nữa việc huy động vốn qua TTCK. Về phía HNX, Sở sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK thông qua việc thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị công ty và nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ thực hiện phát triển thị trường trái phiếu DN để có thể trợ giúp thị trường cổ phiếu những lúc khó khăn.

Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, ông Dominic Scriven cho biết, tính tới tháng 7/2011, cứ 100 doanh nghiệp công bố BCTC thì đến 60% là lỗ; 11 quỹ đầu tư nước ngoài trên TTCK cũng đang chịu lỗ; phần lớn các quỹ có thể sẽ biểu quyết rút vốn trong thời gian tới. Ông cho biết, Quỹ Dragon Capital đã cho các NĐT rút 10% vốn trong 6 tháng, nhưng việc này không thực hiện được do thanh khoản thấp.

"Hiến kế" cho cơ quan điều hành, điều quan trọng nhất, theo ông Dominic là cần minh bạch thông tin ở cấp độ vĩ mô; xác định lịch kinh tế để công bố các chỉ số kinh tế; kịp thời thông tin ra thị trường khi có động thái quan trọng về chính sách; Chính phủ nên xem xét công bố  thông tin thường xuyên ra công chúng và thúc đẩy sự minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàng… Liên quan đến cổ phần hoá DNNN, việc chậm thực hiện tại các DN như BIDV, MobiFone, Vinaphone… làm nản lòng các NĐT ngoại. Để thu hút và giữ chân dòng vốn này, Chính phủ cần cổ phần hoá những DN đủ mạnh và tạo đủ “đất” cho NĐT tham gia.

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục