Không nên bàn tiếp về Thông tư 02

(ĐTCK) Một loạt ngân hàng nội lên tiếng về việc cần gia hạn thêm Thông tư 02, và một loạt ngân hàng ngoại có ý kiến ngược lại. Cơ quan ban hành Thông tư là NHNN thì không muốn điều chỉnh thêm nữa.  
Không nên bàn tiếp về Thông tư 02

Không nên bàn tiếp về Thông tư 02 ảnh 1

Tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những thành công bước đầu

Vừa qua, có những đề nghị tiếp tục giãn thời gian thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cần đối mặt trực diện với tình hình nợ xấu và giải quyết dứt điểm. Thông tư 02 cần được triển khai từ tháng 6/2014 đúng như lộ trình, không nên trì hoãn thêm nữa.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 140.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng, giảm so với mức gần 4,8% của tháng 10/2013 và giảm mạnh so với mức tăng 68% của cùng kỳ năm 2012.

Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động đầu tháng 10, thực hiện hoán đổi nợ xấu của các ngân hàng với trái phiếu của VAMC và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành thêm các bước đi nhằm củng cố khu vực ngân hàng thông qua việc sát nhập một số ngân hàng yếu. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém cần phải được giải quyết.

Những yếu kém này liên quan đến chất lượng tài sản, nợ xấu, trích lập dự phòng và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Cần phải xử lý những vấn đề này ở tất cả các ngân hàng.

Công nhận tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, nếu Việt Nam không xử lý dứt điểm, nợ xấu sẽ tăng cao, dẫn tới nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Bên cạnh sự chung tay giúp sức giữa NHNN với các bộ, ngành và Chính phủ, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đòi hỏi nguồn lực lớn và sự kiên quyết về mặt chính trị.

“Rất nhiều quốc gia trong khu vực châu Á cũng đã trải qua quá trình này và chịu nhiều tổn thất khi thực hiện. Tuy nhiên, sau khi quá trình này thực hiện xong, các quốc gia đã phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trước. Cách giải quyết tốt nhất cho tình hình nợ xấu là đối mặt trực diện và giải quyết dứt điểm”, ông Sumit nói.

Để đối mặt trực diện với vấn đề xử lý nợ xấu, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) cho rằng, cần định nghĩa rõ thế nào là nợ xấu và minh bạch hơn mức nợ xấu trong ngành.

“Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD hướng dẫn cụ thể về việc này, nhưng đã hoãn thi hành đến tháng 6/2014.

Đây là một bước vô cùng quan trọng để các ngân hàng phải định nghĩa nợ xấu theo một quy chuẩn chung, chứ không thể như trước có mức độ linh hoạt ở từng ngân hàng. Theo tôi, điều rất quan trọng là Thông tư 02 không nên trì hoãn thêm nữa”, ông Tareq nhấn mạnh.

Thực tế, các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành bao gồm tiêu chí định lượng (chẳng hạn, thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ…) và tiêu chí định tính (ví dụ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng).

Việc phân loại bao gồm các tiêu chí định tính và định lượng trong phân loại nợ là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, việc sử dụng các tiêu chí định tính trong phân loại nợ dễ dẫn đến sự khác nhau giữa các TCTD trong xác định và ghi nhận nợ xấu.

Đơn cử, khoản nợ của khách hàng được TCTD này xếp vào nợ xấu, nhưng lại không được TCTD khác xếp vào nợ xấu. Trong khi đó, theo quy định, tất cả các khoản vay khác của cùng khách hàng đó tại tất cả các TCTD khác phải được xếp vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.

Các TCTD có thể thiếu thông tin tín dụng về khách hàng hoặc có chủ ý không chuyển các khoản nợ đủ tiêu chuẩn “nợ xấu” sang nợ xấu, dẫn đến các khoản nợ của khách hàng không được phân loại hợp lý và nợ xấu được ghi nhận dưới mức thực tế.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã trì hoãn việc thực hiện Thông tư 02 (ban hành vào đầu năm 2013), theo đó yêu cầu các ngân hàng cần áp dụng sát hơn với thông lệ quốc tế trong tính toán của nợ xấu.

Điều này cho thấy, các ngân hàng đang có mối bận tậm với vấn đề nợ xấu trước mắt và sự thiếu năng lực cũng như sự sẵn sàng của họ trong áp dụng quy định thắt chặt hơn.

“Để giảm rủi ro với hệ thống ngân hàng và cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả, chúng tôi khuyến nghị, NHNN nhanh chóng áp dụng Thông tư 02 để thực hiện triệt để các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Chúng tôi hy vọng, NHNN sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn khi áp dụng Thông tư 02 ngay từ đầu năm 2014”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói.

>> Thông tư 02: có quá cứng nhắc?

>>Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi?

 

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục