Không mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng.
Dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2023 tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng . Dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2023 tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước.

Chiều 24/6, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó có việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết vừa hoàn thành ngày 23/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 21/6/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo này. Kết quả đã nhận được 432 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Có 342 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 90 đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung cụ thể.

Liên quan đến giảm thuế, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng như dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).

Từ quan điểm này, dự thảo nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV quy định: thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Như vậy, việc giảm giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dự thảo nghị quyết giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đánh giá của Chính phủ, với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục