Không mở rộng diện giảm thuế VAT nhằm giảm áp lực cho ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phân biệt đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, quy định này đảm bảo nhất quán trong chính sách, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Dịch vụ viễn thông thuộc nhóm không được giảm thuế VAT. Ảnh: Đức Thanh Dịch vụ viễn thông thuộc nhóm không được giảm thuế VAT. Ảnh: Đức Thanh

Chỉ giảm trong 6 tháng đầu năm 2024

Chiều 20/11, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ hai, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế VAT.

Dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình quy định giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tương tự nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, nhóm không được giảm thuế gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng , chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản , sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng chính sách này từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với các nội dung trên.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Quan điểm trên được đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đồng tình, bởi việc phân biệt đối tượng giảm thuế làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế , tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường.

“Có doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, nên việc phân biệt đối xử giảm thuế vừa gây khó khăn cho công tác hạch toán, vừa tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào và đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực tế, không ít doanh nghiệp hoạt động liên quan đến những sản phẩm, dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách đề xuất giảm thuế sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm”, ông Thanh phân tích.

Ba địa phương sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách giảm thuế VAT là TP.HCM (giảm thu 3.987 tỷ đồng), Hà Nội (giảm 3.469 tỷ đồng), Bình Dương (giảm 1.153 tỷ đồng). Giảm trên 500 tỷ đồng thì có 2 địa phương: Quảng Ninh (giảm 817 tỷ đồng) và Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 597 tỷ đồng).

Nếu giữ nguyên đối tượng thì một năm sẽ giảm thêm 50.000 tỷ đồng, trong khi dự toán ngân sách vừa trình Quốc hội thông qua chỉ giảm 6 tháng của năm 2024.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Vị đại biểu Cà Mau cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc giảm thuế VAT cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng . Lý do là, kinh tế cả thế giới và trong nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường và doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, cần được trợ lực thực chất.

Đồng ý giảm thuế, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.

Theo vị đại biểu Hải Dương, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất theo mục tiêu xây dựng nghị quyết, vừa không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

Lo ngân sách giảm thu nhiều

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích, việc không mở rộng đối tượng được giảm thuế VAT là để đảm bảo nhất quán trong chính sách, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách.

Bộ trưởng cho biết, nếu giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, thì thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 37.100 tỷ đồng; còn nếu chỉ có hàng hóa, dịch vụ như trong đối tượng đã trình thì giảm khoảng 25.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng, giảm thuế VAT chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thuế VAT thực ra chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, chứ không thể có tác dụng trong dài hạn.

“Để tăng trưởng kinh tế, cần tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thị trường, nguồn vốn, quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, trong ngắn hạn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thì giảm thuế trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp khác; vượt qua khó khăn rồi, thì sẽ tăng thuế suất khi sửa các luật thuế.

“Chúng tôi đã đăng ký với Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình năm 2024 sửa các luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn Luật Thuế thu nhập cá nhân thì năm 2025 bắt đầu sửa. Xu thế là thuế suất luôn luôn tăng lên”, Bộ trưởng cho hay.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục