Không lo nhà đầu tư nước ngoài rút vốn

(ĐTCK) Trong hai ngày 2 và 3/10, ông Ken Tai Chee Ming, 1 trong 7 chuyên gia phân tích kỹ thuật người Singapore đạt chuẩn CMT đã có mặt tại Việt Nam trong buổi tọa đàm "Lướt sóng - Cơ hội và rủi ro" do CTCK Kim Eng Việt Nam tổ chức. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ken Tai xung quanh nội dung cuộc hội thảo.
Ông Ken Tai Chee Min. Ông Ken Tai Chee Min.

TTCK Việt Nam gian gần đây có diễn biến không tích cực, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Tình hình thị trường và NĐT tại Singapore ra sao, thưa ông?

So với đầu năm, chỉ số chứng khoán Singapore - Straits Times Index hiện nay đã giảm khoảng 32%. Cá biệt có nhiều cổ phiếu mất giá tới 70 - 80%. TTCK Singapore có 700 - 800 loại cổ phiếu niêm yết. Quy mô của 20 công ty lớn nhất chiếm 70 - 80% toàn thị trường, tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, ở TTCK Singapore, khi thị trường đi xuống vẫn có NĐT kiếm được tiền vì có các công cụ phái sinh.

Một số công ty Việt Nam có kế hoạch niêm yết trên TTCK Singapore, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi, mối lợi lớn nhất khi một công ty Việt Nam niêm yết ở Singapore đó là tính thanh khoản của cổ phiếu tăng lên. Để được niêm yết trên TTCK Singapore, các công ty phải quản lý minh bạch, tuân theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, phải đạt được mức vốn hoá thị trường nhất định… Hiện không có nhiều công ty Việt Nam thoả mãn được yêu cầu này. Việc niêm yết cũng đặt ra nhiều vấn đề về hậu cần, như biên độ hai thị trường khác nhau, room cho nhà ĐTNN, cơ chế công bố thông tin song song…

Ông đánh giá ra sao về cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ và sự tác động tới dòng vốn ngoại tại TTCK Việt Nam?

Về lý do và tác động của cuộc khủng hoảng tôi không đi sâu phân tích thêm, vì đây là chủ đề nóng trên thế giới trong những tuần qua. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, từ năm 1929 trở lại đây, TTCK Mỹ đã trải qua 12 lần khủng hoảng (không kể cuộc khủng hoảng hiện nay), chỉ số chứng khoán giảm trung bình trên 20%. Thời gian dài nhất trong một xu hướng xuống giá là 1.876 ngày, tương đương 5 năm 2 tháng (đợt khủng hoảng 1937 - 1942). Thời gian ngắn nhất trong một xu hướng giá xuống là 60 ngày (năm 1987). Tính trung bình, một xu hướng giá xuống là 1 năm 11 tháng. Kết hợp với một số phân tích khác, tôi ước đoán xu hướng giá xuống của TTCK Mỹ có thể kéo dài đến tháng 12/2009.

Các nền kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ sự suy thoái của kinh tế Mỹ trong thời gian này. Nhưng tôi cho rằng, các nhân tố quốc tế bất lợi hiện nay sẽ không làm dòng vốn nước ngoài vào TTCK đảo ngược, nhưng dòng vốn nước ngoài thời gian tới chảy vào TTCK sẽ dè dặt, cân nhắc hơn. TTCK Việt Nam cũng phải cạnh tranh với TTCK các nước láng giềng.

Theo ông, NĐT Việt Nam nên sử dụng phân tích kỹ thuật ra sao trong đầu tư chứng khoán?

TTCK Việt Nam có một số khác biệt với TTCK các nước phát triển như bị hạn chế biên độ, thiếu các công cụ phái sinh, tính thanh khoản của nhiều cổ phiếu khá thấp, thói quen mua - bán theo tâm lý bầy đàn của các NĐT cá nhân vẫn còn... Theo tôi, cần có sư hiệu chỉnh về mặt kỹ thuật. Cụ thể, NĐT nên hiệu chỉnh thời gian theo tuần để có các đánh giá chính xác về xu hướng thị trường.

Là chuyên gia phân tích kỹ thuật, ông nhìn nhận VN-Index ra sao?

Tôi tìm thấy nhiều nét tương đồng trên đồ thị của VN-Index hiện nay với đồ thị của chỉ số Nasdaq trên TTCK Mỹ năm 2000. Sau khi hình thành mô hình 3 đỉnh, cả hai thị trường đều xuống dốc. Sau một thời gian tương đối giống nhau, cả hai cùng có sự phục hồi, tuy nhiên khi Index vừa chạm đường trung bình động 200 ngày (MA 200) đã lại quay đầu. Tín hiệu này thực sự không tích cực với thị trường.

Ngọc Giang - Minh Tuấn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,216.36 6.84 0.56% 143,995 tỷ
HNX 227.49 0.67 0.3% 1,028 tỷ
UPCOM 89.7 0.94 1.04% 600 tỷ