Không lo FDI “đổi hướng” do thuế đối ứng

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng có thể khiến dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển hướng. Nhưng theo bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong thu hút FDI không thay đổi.
 Bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính). Bà Phí Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính).

Theo bà, chính sách bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ tác động thế nào đến dòng vốn FDI vào Việt Nam?

Trong nhiệm kỳ trước (từ ngày 20/1/2017 đến 20/1/2021), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng sử dụng thuế quan như “vũ khí tối thượng”. Nhiều chính sách thuế quan giai đoạn 2017-2021 vẫn tiếp tục được chính quyền kế nhiệm thực hiện hoặc chỉ nới lỏng một phần. Nhưng hoạt động thu hút FDI của Việt Nam vẫn rất khả quan.

Trong giai đoạn 2017-2024, Việt Nam thu hút gần 289,3 tỷ USD vốn FDI đăng ký, bình quân một năm đạt 36,2 tỷ USD, gấp gần 2 lần số vốn FDI đăng ký của giai đoạn 2010-2016 (đạt gần 147,2 tỷ USD). Giai đoạn 2017-2024, vốn FDI đăng ký cơ bản đều tăng hàng năm, ngoại trừ năm 2022 chỉ thu hút được 29,2 tỷ USD do ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19, nhưng năm 2023 đạt con số kỷ lục với gần 39,4 tỷ USD và năm 2024 đạt 38,3 tỷ USD; vốn thực hiện năm 2024 đạt gần 25,3 tỷ USD - con số kỷ lục kể từ khi Việt Nam thu hút FDI.

Số liệu trên cho thấy, các nhà đầu tư quốc tế luôn tin tưởng Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn do Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tổng thống Donald Trump đã quay lại Phòng Bầu dục lần thứ 2 kể từ ngày 20/1/2025 với chính sách bảo hộ thương mại có thể nói là mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Vậy tình hình sẽ ra sao, thưa bà?

Hoạt động thương mại toàn cầu đang có sự biến động chưa từng thấy kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2. Nhưng quý I năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có hơn 400 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

Cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng khốc liệt, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, ngay cả khi các đầu tàu kinh tế, nhất là Hoa Kỳ, không có nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, thì Việt Nam vẫn chủ động thay đổi để thu hút FDI.

Cụ thể, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư cần có quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu, quy hoạch, đầu tư và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nhằm ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, pháp luật về đầu tư đã chính thức thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Nhưng từng đó cải cách liệu có đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược lớn trong bối cảnh mới?

Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. Đó là có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều năm; nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh; là thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân.

Khác với các quốc gia trong khu vực (ngoại trừ Singapore), doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn nhờ vào 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, khiến Việt Nam trở thành bến đỗ đầu tư hấp dẫn. Dù không tránh được ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ mậu dịch của Chính phủ Hoa Kỳ, nếu hàng hóa Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu cao hơn các nước khác, thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn này.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc sáp nhập, sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương; sáp nhập tỉnh thành, xã phường, bỏ quận huyện là bước đột phá chưa từng có để đẩy mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 22/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ); bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, liền mạch, hiệu quả.

Để tăng trưởng GDP năm nay đạt tối thiểu 8%, theo tính toán, cần số vốn FDI thực hiện khoảng 28 tỷ USD - phá kỷ lục năm 2024. Như vậy, ngoài các chính sách kể trên, còn cần thêm gì nữa?

Pháp luật về đầu tư mới được sửa đổi và có hiệu lực từ đầu năm nay đã có quy định thủ tục đầu tư đặc biệt, có thể gọi là “luồng xanh”. Theo đó, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn.

Tóm lại, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đặc biệt, “vượt rào”; sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển tối đa. Với chính sách “luồng xanh” trong đầu tư được áp dụng, Quỹ Hỗ trợ đầu tư được triển khai từ năm 2025, chắc chắn Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược khi họ chuyển cứ điểm sản xuất do bị tác động bởi chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Có thể hiểu rằng, không quá lo ngại dòng vốn FDI chuyển hướng khi thuế đối ứng được thực thi mà các nước không đạt được thỏa thuận với Washington?

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic...), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và mở rộng vốn gần đây, như Nhà máy Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology (Singapore Holding Pte.Ltd) tại Bắc Ninh điều chỉnh vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn đầu tư thêm 2,35 tỷ USD..., đã cho thấy, “đại bàng” vẫn chọn Việt Nam để làm tổ.

Chính sách thương mại của Hoa Kỳ không chỉ hướng đến Việt Nam, mà hướng đến tất cả các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với nước này, không có ngoại lệ. Vì vậy, không quá lo ngại các “đại bàng”, nhà đầu tư chiến lược rời khỏi Việt Nam, bởi không có nền kinh tế nào là an toàn tuyệt đối, ít nhất là trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục