Kích thích nguồn vốn đầu tư tư nhân
Tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã chỉ ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Ước tính, tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,3% so với tháng trước và tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhập siêu 6 tháng giảm còn 2,75%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 3,5%. Một số lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá như công nghiệp, xây dựng, chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch... Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm có khả năng đạt mức 5,5 - 5,7%.
Con số tăng trưởng này vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm là 6,5-6,7%.
Chỉ cần chính sách đúng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8 - 9%, chứ không phải mục tiêu 6,7% như hiện nay
Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương
Quan điểm không tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, nhưng không lãng phí các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng một lần nữa được Thứ trưởng Đông nhấn mạnh tại Diễn đàn. Theo ông Đông, Việt Nam cần nỗ lực tối đa trong khơi dậy tiềm năng, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Về lối ra cho tăng trưởng kinh tế năm 2017, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế (Đại học Fullbright) cho rằng, cần sử dụng nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng thông qua cơ chế hợp tác công - tư (PPP) và tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Hiện đóng góp của đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế do chậm giải ngân vốn đầu tư và tình trạng này trong ngắn hạn khó có thể cải thiện. Thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, theo TS. Thành, tăng trưởng GDP còn nhiều dư địa. Với tổng tài sản vào khoảng 200 tỷ USD hiện nay, chỉ cần tăng 1% thì khối tư nhân có 2 tỷ USD đầu tư cho nền kinh tế.
Đề cập đến giải pháp khơi dậy nguồn lực kinh tế tư nhân, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân vào môi trường kinh doanh. Cách làm trực tiếp, có tác động nhanh chóng để củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, theo TS. Sơn, là giảm chi phí chính thức và loại bỏ những chi phí không chính thức.
Chỉ ra một số yếu tố tích cực tác động đến tăng trưởng, TS. Nguyễn Xuân Thành cho hay, kinh tế thế giới đang phục hồi, thể hiện qua số liệu xuất khẩu của nước ta tăng mạnh.
Doanh nghiệp Việt Nam đang rất lạc quan về khả năng gia tăng sản xuất - kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng, sức mua được cải thiện, tạo nên động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, truyền đi những thông điệp tích cực đến người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Thành, rào cản chính ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là do chậm tái cấu trúc nền kinh tế.
Cụ thể, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là gánh nặng lớn kéo tăng trưởng đi xuống, do vậy, chính sách cần ưu tiên hàng đầu là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu. Trong trung hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế.
“Cá nhân tôi ủng hộ nghị quyết xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nhưng cần thêm nguồn lực để bảo đảm xử lý nợ xấu đi liền với tăng vốn của các tổ chức tín dụng; đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư công”, TS. Thành nói.
Ba mũi nhọn tăng trưởng
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, có ba mũi nhọn chủ lực cần tập trung để giải bài toán tăng trưởng.
Thứ nhất là kích thích tiêu dùng, bởi tiêu dùng trong nước đang chiếm 75% GDP, nếu kích cầu tiêu dùng thêm 1% thì sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Năm 2016, tiêu dùng đã mang lại 3,7 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
Thứ hai, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt du lịch. Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn, nếu thực hiện tốt các chính sách thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam cũng như kích cầu du lịch trong nước, ngành này có thể đạt mức tăng trưởng hơn 30% trong năm nay, đóng góp thêm 7.000 - 8.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện đã có hơn 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng, cần tạo môi trường để những doanh nghiệp mới ra đời phát huy hiệu quả.
Khẳng định nếu không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, một số cân đối vĩ mô, đặc biệt là cân đối ngân sách có thể sẽ bị phá vỡ (tỷ lệ nợ công sẽ vượt trần, kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đồng thời có những tác động tiêu cực đến tiêu dùng, đầu tư…), PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, bên cạnh giải pháp dài hạn, cũng cần có các giải pháp ngắn hạn như tăng khai thác dầu thô, than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phát triển nông nghiệp.
“Tuy nhiên, đi kèm với các giải pháp là những rủi ro, nhưng không nên bàn lùi, mà hướng đến các giải pháp khả thi để triển khai”, ông Sơn nhấn mạnh.
Giải pháp khả thi mà ông Sơn muốn nói tới là cần nâng cao năng lực của cấp thừa hành trong bộ máy hành chính, họ là lực lượng hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Lâu nay, đây là một điểm nghẽn gián tiếp của tăng trưởng doanh nghiệp.
Điểm sáng thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng là một trong những điểm sáng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam”, ông Andy Ho, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng tốt, Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực. Vốn hóa thị trường đạt hơn 100 tỷ USD, có nhiều công ty niêm yết thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư ngoại.
“Chúng tôi nhìn thấy tương lai của thị trường này tại Việt Nam”, ông Andy Ho nhấn mạnh và kỳ vọng đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vấn đề các quỹ đầu tư quan tâm nhất đến doanh nghiệp và câu chuyện quản trị, khả năng mở rộng phạm vi kinh doanh. Để thu hút dòng vốn đầu tư từ các quỹ ngoại, doanh nghiệp Việt cần nâng cao hơn nữa trình độ quản trị.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cảnh (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng khu vực ngân hàng, quy mô thị trường phi ngân hàng rất nhỏ chỉ chiếm 17% GDP. Trong khi đó, 8% tài sản khu vực ngân hàng chiếm 112% GDP.
Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong khu vực. Thị trường chứng khoán hiện có hơn 1,7 triệu nhà đầu tư trong nước, số lượng các công ty niêm yết tăng nhanh, quy mô thị trường nhỏ hơn so với nhiều nước, nhưng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
“Để đỡ gánh nặng cho ngân hàng, cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, bà Cảnh nhận định và kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp để gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế có thể đến từ việc thoái vốn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Cung kiến nghị, cần thực hiện cổ phần hóa theo tiến độ Nghị quyết của Quốc hội, dùng tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm hạ tầng tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM.
Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán đang được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Sáu dư địa đưa kinh tế tăng trưởng mạnh
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Chỉ cần chính sách đúng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8 - 9%, chứ không phải mục tiêu 6,7% như hiện nay. Theo tôi, có 6 dư địa tăng trưởng, Chính phủ cần tập trung khơi thông.
Thứ nhất, cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Tài sản của khối doanh nghiệp này khoảng 300 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm phần trăm hiệu quả thì có 3 tỷ USD, bằng 1,5 % GDP. Khu vực này có dư địa để đạt được 4 điểm phần trăm tăng trưởng.
Thứ hai, tăng hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân, với tổng tài sản hiện nay khoảng 200 tỷ USD, nếu tăng 1% thì có 2 tỷ USD đầu tư cho nền kinh tế. Khu vực này đang có dư địa tăng trưởng thuận lợi.
Thứ ba, tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết hiện còn 180 tỷ USD và 15 tỷ USD ODA đã ký, chưa giải ngân.
Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh. Hiện nay, chi phí logistic chiếm gần 21% GDP, nếu giảm được 1 điểm phần trăm thì có 4 tỷ USD. Chúng ta có thể giảm 1 - 2% trong tầm tay và thu về gần 10 tỷ USD của tăng trưởng.
Thứ năm, tập trung tăng trưởng hai vùng kinh tế động lực là Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai khu vực chiếm hơn 50% GDP cả nước, 70% FDI, hơn 2/3 tổng thu ngân sách cả nước.
Thứ sáu, tập trung vào những ngành có thể tăng năng suất lao động, giảm quy mô các ngành có năng suất lao động âm để phân bố nguồn lực tốt hơn.