Không huy động bằng mọi giá

(ĐTCK-online) Năm 2008, Chính phủ dự định huy động một nguồn vốn rất lớn thông qua phát hành trái phiếu. Động thái này chắc chắn sẽ tác động rất mạnh đến thị trường vốn năm 2008. "Năm 2008, huy động vốn cho đầu tư phát triển là nhiệm vụ hết sức nặng nề của hệ thống kho bạc", Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Phạm Sỹ Danh chia sẻ với ĐTCK nhân dịp năm mới.
Ông Phạm Sỹ Danh. Ông Phạm Sỹ Danh.

Năm 2007, sau một thời gian sôi động, thị trường TPCP đã rơi vào trầm lắng khiến việc huy động vốn trên thị trường để đầu tư phát triển trở nên khó khăn hơn?

Thị trường vốn năm 2007 biến động rất mạnh. Đặc biệt vào giai đoạn đầu quý III, lãi suất huy động trên thị trường vốn tăng đáng kể cùng với sự tác động của chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện đã hạn chế nguồn vốn khả dụng và khả năng tham gia thị trường TPCP của các ngân hàng thương mại khiến việc huy động vốn của Chính phủ rất khó khăn. Hệ quả là, đến đầu quý IV, Chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành TPCP xuống còn 50.000 tỷ đồng, giảm 11.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

 

Để bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển, năm 2008, nguồn vốn huy động thông qua phát hành TPCP sẽ không dừng lại ở con số 50.000 tỷ đồng?

Năm 2008, lần đầu tiên Chính phủ quyết định phát hành TPCP để đầu tư cho ngành y tế. Mặc dù là lần đầu tiên phát hành cho lĩnh vực này, nhưng Chính phủ đặt nhiệm vụ phải huy động tối thiểu 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Nếu cộng cả khối lượng trái phiếu phát hành cho ngành y tế, giáo dục và để đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi thì khối lượng đã lên tới 37.000 tỷ đồng. Như vậy, cộng cả khối lượng TPCP phát hành để bù đắp bội chi, vốn huy động đầu tư cho các chương trình trọng điểm thì năm 2008, KBNN phải huy động 80.000 - 90.000 tỷ đồng.

 

Thị trường vốn đang hết sức căng thẳng, với khối lượng TPCP huy động lớn như vậy sẽ làm cho thị trường căng thẳng thêm?

Lãi suất huy động là câu chuyện nóng trong năm 2007, càng về cuối năm lãi suất lại càng nóng khiến việc huy động vốn của cả tổ chức tín dụng lẫn kho bạc gặp khó khăn. Việc huy động vốn của KBNN còn khó khăn hơn, bởi chúng tôi không được chạy theo lãi suất thị trường, không được thực hiện các biện pháp để thu hút tiền gửi như các tổ chức tín dụng, không những thế, KBNN còn phải thực hiện nhiệm vụ điều tiết lãi suất thị trường. Vừa phải huy động vốn đảm bảo nhu cầu chi tiêu và đầu tư của Chính phủ, vừa phải đóng vai trò điều tiết thị trường (trước mắt, không đẩy lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục tăng cao và sau đó, tìm biện pháp kéo lãi suất huy động vốn xuống để kiềm chế lạm phát), bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ thực sự khó khăn.

 

Hệ thống kho bạc đã sẵn sàng và có những giải pháp để thực hiện 2 nhiệm trên, thưa ông?

Khác với các tổ chức tài chính, việc huy động hay giải ngân nguồn vốn chỉ nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, việc huy động đủ vốn với lãi suất hợp lý cho ngân sách là nhiệm vụ chính trị của KBNN. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, ngay từ cuối năm 2007, KBNN đã đẩy mạnh huy động vốn để vừa đáp ứng nhu cầu giải ngân với khối lượng rất lớn vào cuối năm, đồng thời tạo nguồn vốn gối đầu, nhằm giảm tải việc huy động vốn trong năm 2008.

 

Với khối lượng huy động rất lớn, ông có cho rằng, năm 2008 thị trường vốn sẽ tiếp tục nóng?

Khó có thể dự báo được thị trường vốn năm 2008 sẽ diễn biến ra sao, nhưng chắc chắn KBNN không huy động vốn với bất cứ lãi suất nào. Cụ thể, KBNN không huy động vốn theo kế hoạch đã được "lập trình sẵn", mà huy động theo tiến độ giải ngân đầu tư của các dự án, theo nhu cầu đầu tư của Chính phủ. Chúng tôi rất linh hoạt trong việc huy động vốn, chẳng hạn, nền kinh tế cần bao nhiêu vốn để giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành hoặc chuẩn bị khởi công thì chúng tôi tổ chức huy động bấy nhiêu, chứ không chạy theo kế hoạch.

 

KBNN đã có công cụ để thực hiện việc này, thưa ông?

Công cụ mà chúng tôi đang thực hiện và tỏ ra rất hiệu quả chính là phát hành TPCP theo lô lớn thông qua TTCK. Năm 2007, KBNN đã huy động được 2.670 tỷ đồng bằng hình thức này. Những đợt phát hành TPCP theo lô lớn nhận được sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư, lãi suất trúng thầu thấp hơn so với những đợt phát hành khác cùng thời điểm. Công cụ này thực sự hữu hiệu, bởi nó giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất, KBNN chủ động huy động với một khối lượng lớn TPCP. Thứ hai, do được chủ động nên KBNN có thể điều tiết được lãi suất huy động ở mức hợp lý nhất vì chỉ huy động khi Chính phủ cần vốn hoặc khi nào lãi suất trên thị trường thấp. Thứ ba, hình thức huy động theo lô lớn đã nâng cao được hiệu quả trong việc sử dụng và nâng cao được tính thanh khoản của TPCP trên thị trường vốn.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ