Không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách gỡ vướng dự án

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM vào ngày 16/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cán bộ cần tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cục, tham nhũng. Ảnh: VGP Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cán bộ cần tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cục, tham nhũng. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến với 29 đề xuất, kiến nghị của Thành phố, gồm 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Trong đó, có các đề xuất liên quan việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành (đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 đồng bộ với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

Về kiến nghị gỡ vướng cho dự án bất động sản, đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết.

“Tinh thần không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách giải quyết việc này để giải phóng nguồn lực. Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương việc này với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Thành phố cần triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị triển khai công tác này trên tinh thần linh hoạt, đúng luật. Đẩy mạnh thực hiện gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đặc biệt là vấn đề quy hoạch đất, giao đất.

Ngoài vấn đề trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ Thành phố trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, mà trước hết là công tác quy hoạch. Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để thúc đẩy tăng trưởng trong cả tiêu dùng và sản xuất.

Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông. Đẩy mạnh cải cách, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, PAPI… Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, niềm tin xã hội bằng những giải pháp, chính sách, hành động cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và làm tốt công tác truyền thông.

“Các bộ, ngành, thành viên Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp, hỗ trợ Thành phố thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trên tinh thần cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại cuộc làm việc theo từng tháng, từng quý.

Cần sớm hoàn chỉnh Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành và Thành phố đã dành nhiều thời gian để nói về tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2022, Thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến và bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.

“Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy cho nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản, mà Bộ còn trăm ngàn việc khác. Còn 63 địa phương khác nếu ai cũng vậy thì suốt ngày trả lời, trong khi đã phân công phân cấp rồi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như các địa phương khác là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức, những người thực hiện công vụ.

Muốn làm được điều này, phải khắc phục được tư tưởng “3 không” của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là không nói; không tham mưu đề xuất; không triển khai hoặc triển khai cầm chừng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, muốn khắc phục được điều này, không chỉ cần chủ trương mà còn cần có cơ chế, quy định để tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

Đề cập vấn đề dám nghĩ, dám làm của cán bộ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng trước hết ở cán bộ cấp cao. Theo ông, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Chính phủ cũng có nhiều kết luận, quyết định về vấn đề này.

Đối với cấp dưới, Thành phố cũng đã làm nhiều việc nhưng chỉ tới mức khuyến khích, động viên, còn bảo vệ thì chờ Quốc hội, Chính phủ. Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo hoàn chỉnh Nghị định hướng dẫn thực hiện Kết luận 14 để cán bộ yên tâm làm việc.

“Hiện nay, Thành phố đang vận động anh em làm với tinh thần cái nào của mình thì cứ làm, không đề xuất, kiến nghị nữa. Vướng chỗ nào thì báo cáo, cấp nào nhận đề xuất thì cấp đó giải quyết”, ông Nên nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc, động viên người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, thành phố cần xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan cán bộ; điều chỉnh, sắp xếp phù hợp người với năng lực và nhiệt huyết.

“Cán bộ cần tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cục, tham nhũng”, Thủ tướng lưu ý.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục