Không hạn chế quyền khởi kiện, doanh nghiệp vẫn bị từ chối đơn

(ĐTCK) Không ít trường hợp khởi kiện hoặc yêu cầu việc dân sự nhưng bị tòa án từ chối với nhiều lý do, như trường hợp một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp mới đây. Xung quanh vấn đề này, Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico. 
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico. Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã ghi nhận nguyên tắc pháp luật không có hạn chế nào về quyền khởi kiện của đương sự. Ðiều này khiến cho người ta hiểu rằng tòa án sẽ không từ chối bất cứ yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự. Liệu cách hiểu này có đúng không?

Khoản 2, Ðiều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và được cụ thể hóa bằng Mục 3, Chương III của Bộ luật.

Những quy định này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng của một nước có hệ thống pháp luật được xây dựng theo hướng thành văn như Việt Nam, nghĩa là vấn đề nào cũng cần có quy định pháp luật để điều chỉnh, quy định pháp luật là cơ sở để điều phối, hướng dẫn, xét xử.

Ðã có tiền lệ rất nhiều tòa án cho rằng, vấn đề được đề nghị xét xử thuộc phạm vi quan hệ pháp luật mới phát sinh, chưa có điều luật để áp dụng nên họ từ chối thụ lý.

Có thể hiểu, khoản 2, Ðiều 4 và những quy định có liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được xây dựng để thể hiện rõ ràng, dứt khoát quan điểm của nhà làm luật về cách xử lý những vụ việc mà pháp luật chưa kịp có quy định điều chỉnh, mở đường cho việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng, án lệ nhiều hơn nữa trong hoạt động xét xử sau này.

Thực tế những năm vừa qua, luật sư nhận thấy việc thực hiện nguyên tắc này như thế nào? Có còn những trường hợp phải “chiến đấu” để được tòa án thụ lý giải quyết?

Ðã gần 4 năm kể từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự mới có hiệu lực, nhưng tôi cho rằng, đừng quá hy vọng điều luật đã nêu tại Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ đảm bảo vụ việc nào đưa ra tòa cũng được thụ lý giải quyết.

Thời gian qua, số lượng vụ việc tòa án từ chối thụ lý khá nhiều và khi từ chối, tòa có thể đưa ra rất nhiều lý do khác nhau.

Trong đó, “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” là một lý do khá phổ biến. Tòa án có thể lý giải những dẫn chiếu, luận chứng chứng minh yêu cầu khởi kiện là không rõ ràng.

Thực tế, có vô vàn những lý do mà tòa án có thể viện dẫn để minh họa cho nhận định người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Bộ luật Tố tụng dân sự không giải quyết được gốc rễ của tình trạng phổ biến này.

Về nguyên lý, tòa án sinh ra để bảo đảm các vụ việc tranh chấp mà các bên không tự giải quyết được thì sẽ có một cơ chế phán xử, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên.

Từ thời đại phong kiến cho đến hiện nay, chức năng đó của tòa án không hề thay đổi, nhưng cách tiếp nhận vụ việc tranh chấp đã thay đổi.

Chuyện dân gian và dữ liệu lịch sử đều cho thấy ở thời đại trước, khi mà người dân tranh chấp với nhau, dù kiện về một mảnh vườn, một con trâu hay chỉ là đàn gà, thì đều không cần thủ tục nhiêu khê, thậm chí là đánh trống cửa quan thì quan đã phải ra xử.

Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam, khi tiếp nhận một yêu cầu khởi kiện, các cấp tòa thường đọc lên đọc xuống, nghiên cứu như thể đang xét xử một vụ án, cho đến khi đã đồng ý tiếp nhận đơn kiện, thì đến 80% công việc, thậm chí quyết định của tòa án gần như đã được xác lập.

Chính vì lý do đó, nếu đã nhận thấy vụ việc có vướng mắc, quá trình xét xử sẽ gặp khó khăn, thì thường tòa sẽ từ chối và để kiếm lý do từ chối thì không khó. 

Theo luật sư, nguyên tắc này cần áp dụng như thế nào?

Theo tôi, nên ghi nhận nguyên tắc là tòa án phải thụ lý tất cả những trường hợp mà tổ chức, cá nhân khởi kiện, chỉ loại trừ những trường hợp thật sự chính đáng. Sau khi thụ lý thì xem xét, phân định thắng thua như thế nào là thuộc về thẩm quyền của tòa án.

Nguyên tắc này được cụ thể hóa bằng việc sửa đổi lại quy định về các trường hợp thẩm phán được trả lại đơn kiện. Vì trong các trường hợp trả lại đơn khởi kiện hiện nay, còn nhiều trường hợp vô lý.

Cụ thể là trả lại đơn do người khởi kiện không có quyền khởi kiện, chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

Ðiển hình như trường hợp không sửa đơn theo yêu cầu, thẩm phán nếu đã không đảm bảo được tính công tâm, thì hoàn toàn có thể yêu cầu người khởi kiện phải sửa đổi đơn bằng cách bổ sung các chứng cứ, mà vốn dĩ người khởi kiện không có, không đưa ra được thì bị xem là không sửa đổi được đơn.

Việc tòa án trả lại đơn khởi kiện tương đương với việc phán xử người khởi kiện thua, mà không qua xét xử. Ðây là việc không nên.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục