“Không gian văn hoá Việt Nam” đã sẵn sàng tại Nam Phi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chân dung về một Việt Nam giàu bản sắc và tràn đầy sức sống sẽ được khắc hoạ trong Không gian văn hóa tại sự kiện “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023” từ ngày 14 - 15/9.
“Không gian văn hoá Việt Nam” đã sẵn sàng tại Nam Phi

Sau họp báo công bố sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” (08/09/2023), công tác chuẩn bị Không gian văn hóa Việt Nam tại Nam Phi đang được Ban Tổ chức gấp rút hoàn thiện. Chương trình sẽ được diễn ra nhân chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến Nam Phi từ ngày 14 - 17/9/2023.

Bản sắc văn hóa định hình Việt Nam ngày nay và tương lai được “Không gian văn hóa Việt Nam” thể hiện sâu sắc với thông điệp “Cội nguồn, Sức sống và Sự tiếp nối”. Nếu như “Nguồn cội” là lời giới thiệu với bạn bè quốc tế: Chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới; “Sức sống” là lời dẫn giải cho một Việt Nam ngày nay tràn đầy năng lượng, năng động và thân thiện; thì “Sự tiếp nối” chính là lời kết mà Không gian văn hóa muốn người xem hình dung về tương lai của Việt Nam qua cách ứng xử với giá trị truyền thống của thế hệ trẻ.

Nguồn cội của nền văn minh lúa nước giàu bản sắc

Trong Không gian văn hóa Việt Nam, thông điệp “Nguồn cội” được thể hiện qua các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận; trong bộ ảnh “Sức sống Việt Nam” với sự góp mặt của những lễ hội truyền thống, những sinh hoạt đời sống mang nét đặc trưng của một nền văn minh lúa nước, hay trong những bức tranh dân gian Đông Hồ…

Không chỉ có cơ hội tìm hiểu, chiêm ngưỡng các tác phẩm điển hình của dòng tranh Đông Hồ, người xem còn được trải nghiệm các công đoạn in tranh từ bản khắc gỗ lên giấy theo phương pháp truyền thống. Cùng chất liệu giấy Dó, giấy Điệp và màu sắc tự nhiên từ than lá tre, lá chàm, hoa hòe, gỗ vang… người xem sẽ được thoải mái tạo nên những bức tranh lưu niệm độc đáo để dành tặng cho người thân, bạn bè.

Tại “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023”, công chúng Nam Phi sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng và thực hành in những bức tranh Đông Hồ - Nét đẹp tinh hoa văn hoá Việt.

Tại “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023”, công chúng Nam Phi sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng và thực hành in những bức tranh Đông Hồ - Nét đẹp tinh hoa văn hoá Việt.

Chân dung một Việt Nam tươi mới, ngập tràn sức sống

Theo dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử, người Việt luôn thể hiện một sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Trong quá khứ “Sức sống Việt Nam” được bạn bè quốc tế biết đến qua thắng lợi trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Ngày nay sức sống ấy còn được thể hiện qua cách Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch. Mọi khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật ấy sẽ được khắc họa rõ nét qua từng bức ảnh trong triển lãm “Sức sống Việt Nam”, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về một đất nước tươi đẹp, hiện đại, về những con người luôn vui vẻ, lạc quan.

Chủ đề “Sức sống” còn được tái hiện thông qua các tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn vẽ cảnh sắc Hồ Gươm qua 4 mùa của hoạ sĩ Trần Anh Tuấn. Các bức tranh sẽ được ông giới thiệu tới bạn bè quốc tế trong Không gian văn hóa Việt Nam cùng các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Theo đó khách mời sẽ có cơ hội tự tạo cho mình một sản phẩm lưu niệm bằng cách sáng tạo trên những vật dụng đã được chuẩn bị sẵn như vòng tay, vòng cổ, đồ lưu niệm được chế tạo từ chất liệu bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng...

Hoạ sĩ Trần Anh Tuấn sẽ hướng dẫn bạn bè quốc tế thực hành làm sơn mài.

Hoạ sĩ Trần Anh Tuấn sẽ hướng dẫn bạn bè quốc tế thực hành làm sơn mài.

Câu chuyện về người Việt trẻ kế thừa, tiếp nối, hiện đại hóa các giá trị truyền thống

Những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đang được những người trẻ đón nhận và tiếp nối. Điều đó được thể hiện trong triển lãm trang phục truyền thống “Hành trình vàng son” của những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, hay sự trình diễn của những nghệ nhân đến từ làng nghề Đông Hồ, Xuân La đang tiếp bước cha ông gìn giữ các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ…

Triển lãm “Hành trình vàng son” trưng bày các trang phục thời Nguyễn được phục dựng bởi những người Việt trẻ luôn trân quý, khát khao tái hiện và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại. Các mẫu hoa văn trên trang phục của các tầng lớp xã hội được tái hiện sinh động trên các mẫu trang phục trưng bày. Đi kèm theo đó là sự xuất hiện của 10 bộ trang phục cung đình và áo dài để người xem có thể mặc và chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong Không gian văn hóa.

Cùng trải nghiệm chụp ảnh với cổ phục, hoạt động nặn tò he cũng được Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ mang đến sự yêu thích cho khách tham quan. Không gian văn hóa Việt Nam tại Nam Phi ghi nhận có sự tham gia của nghệ nhân Đặng Đình Thường đến từ làng nghề Tò he Xuân La - Phú Xuyên (Hà Nội). Sinh trưởng trong gia đình có 5 đời làm nghề, “hành trang” mà nghệ nhân Đặng Đình Thường mang tới Nam Phi là một số hình mẫu trưng bày mang tính biểu tượng cho “quốc gia cầu vồng” như hươu cao cổ, thổ dân, hoa protea, hoa phượng tím… Bên cạnh đó, khách mời sẽ được sử dụng các loại nguyên liệu từ gạo nếp trộn lẫn phẩm màu để nặn thành những con giống theo ý thích và mang về nhà như một món quà lưu niệm dành cho các bạn nhỏ trong gia đình.

Hoạt động nặn tò he sẽ mang đến cho khách mời sự trải nghiệm mới mẻ về văn hoá Việt Nam.

Hoạt động nặn tò he sẽ mang đến cho khách mời sự trải nghiệm mới mẻ về văn hoá Việt Nam.

Có thể thấy, một không gian văn hóa đậm “chất" Việt sẽ được tổ chức công phu tại Nam Phi trong chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023”. Ban tổ chức kỳ vọng với sự xuất hiện của các nhân tố mới sẽ tạo điểm nhấn khác biệt về một nền văn hóa Việt Nam có bề dày truyền thống vẫn đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ bằng sức sống tươi trẻ, hiện đại.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục