“Không gian công cộng ven sông là bất khả xâm phạm”

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đây là quan điểm của GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) khi đề cập đến không gian công cộng với các dự án đô thị ven sông. 

Nhiều dự án bất động sản hiện nay khi mở bán, chủ đầu tư đều lấy yếu tố ven sông, view sông như một thế mạnh để cạnh tranh. Theo ông, đô thị ven sông có sức hấp dẫn như thế nào?

Từ xưa, giao thông đường thủy phát triển đã làm hình thành nên các khu vực để buôn bán, sinh sống. Sức hấp dẫn của dòng sông chính ở chỗ hình thành các tuyến thương mại, nhiều tuyến có phù sa nên có thể trồng trọt được, rồi từ đó tạo thành các quần cư.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi. Ảnh: Thành Nguyễn.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ngày nay, với đô thị ven sông điều dễ nhận thấy là sự mát mẻ, thoáng đãng, tầm nhìn rộng về sông nước, trong khi với đô thị đơn thuần thì chỉ nhìn thấy các tòa nhà, bị hạn chế tầm nhìn.

Cơ bản mà nói, nếu có thể tận dụng các dòng sông để phát triển các đô thị cũng rất tốt. Tuy nhiên, để làm tốt điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề khai thác không gian sông nước.

Ông có nhìn nhận gì về thực trạng phát triển đô thị ven sông, ven biển hiện nay?

Thực tế ở nhiều nơi, thực trạng chung là chia ô, chia lô cả với sông, biển. Các chủ đầu tư chiếm đất và sở hữu nó, người ngoài không được phép vào. Từ đó, tạo nên các barie chắn mất dòng sông, bờ biển.

Cũng có trường hợp đó là câu chuyện của lịch sử. Ví dụ như ở Cần Thơ, có những công trình lịch sử án ngữ ở mặt sông, khi địa phương muốn làm đường đi bộ ven sông thì bị tắc nghẽn. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải quy định các công trình xây dựng phải có khoảng lùi.

Một công trình công cộng ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: Thành Nguyễn.

Một công trình công cộng ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Ảnh: Thành Nguyễn.

Phải chăng, đây là kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển?

Đúng vậy, các quốc gia thành công trong quy hoạch đô thị có sông bao giờ hai bên bờ cũng có đường đi dạo, đi bộ, là không gian công cộng bất khả xâm phạm.

Việc sử dụng đất ven sông và cấu trúc nó thành đô thị là cả một bài toán quy hoạch. Quy hoạch không ổn thì không tạo nên cấu trúc phát triển theo 2 chiều: dọc sông và trong đô thị ra ngoài sông. Ở nhiều quốc gia, ngoài đường đi bộ dọc, giao thông dọc hai bên bờ sông, còn có các tuyến đường hướng từ trong đô thị ra để tạo liên kết theo trục ngang.

Với Moscow (Liên bang Nga), cả thành phố soi bóng bên sông, người dân, du khách chỉ cần đi dạo bên bờ sẽ nhìn thấy hết câu chuyện của thành phố được vẽ nên từ những quy hoạch đô thị rất rõ ràng, hài hòa, từ khu phố cổ đến khu hiện đại, khu dịch vụ,...

Hay ở Thụy sỹ, cả 100 km của dòng sông Rhone là câu chuyện chuyển tiếp của kiến trúc, cảnh quan. Nơi đây, những công trình thấp thoáng bên các vườn hoa, rừng cây, hài hòa như một bức tranh.

Vậy theo ông, khi xây dựng các đô thị ven sông, chúng ta cần lưu ý điều gì?

Không gian ven sông phải là không gian ưu tiên tạo ra dòng chảy liên tục. Dưới là dòng chảy mặt nước, trên là dòng chảy phát triển của cộng đồng, thông qua các công trình công cộng phục vụ người dân như đường đi bộ, công viên.

Khi làm các công trình ven sông, phải có quy hoạch về chiều cao, để công trình bên ngoài không làm án ngữ, cản trở các công trình bên trong. Nên quy hoạch theo hướng, tạo sự giật cấp về chiều cao.

Bên cạnh đó, các tuyến đường đi bộ, đi dạo ven sông phải được quy hoạch để có sự kết nối giữa các tuyến. Tình trạng chung hiện nay là khá hỗn loạn. Giao thông hai bên đường phải được xử lý tốt, vì có sự giao cắt nên cần có cầu vượt, cầu đi bộ. Tuy nhiên, để xây dựng các cầu đi bộ là không hề dễ dàng, vì nó liên quan đến cảnh quan, dễ làm xấu bộ mặt đô thị.

Đô thị ven sông ở thành phố Lào Cai. ảnh: Thành Nguyễn.

Đô thị ven sông ở thành phố Lào Cai. ảnh: Thành Nguyễn.

Vậy còn về mặt quy hoạch thì sao?

Khi làm đô thị ven sông phải tuân thủ quy hoạch tổng thể, đô thị ven sông là một bộ phân trong đó, phải tuân theo cả về mật đồ, chiều cao. Phải thấy đó là không gian mở của cả đô thị, cả không gian xanh tiếp cận mặt nước. Tùy điều kiện mà có những sáng kiến cụ thể.

Được biết, ông từng phản biện về việc phát triển đô thị ven sông (đoạn sông Hồng gần Hồ Tây). Đâu là lý do chính?

Về lịch sử, chúng ta có 2 cố đô ở Hà Nội, là Cổ Loa và Thăng Long. Đây đều là điểm hấp dẫn về văn hóa, du lịch. Chúng ta hay nói nhiều về Thăng Long, nhưng cũng đừng quên Cổ Loa.

Dự án của phía Hàn Quốc về đô thị ven sông gần Tây Hồ mà bạn đề cập lại tạo ra rào chắn, làm đứt gẫy mối liên kết, trục văn hóa giữa hai kinh đô cũ. Ngoài ra, nó cũng sai cả về phong thủy. Thứ nữa, giữa 2 mặt nước như vậy thì việc đặt một khối đô thị lớn ở giữa là không hợp lý. Vì chỉ riêng khu đô thị đó sở hữu tầm nhìn lớn, nhưng nó lại che chắn tầm nhìn của cả cộng đồng, ngăn cách hai cố đô.

Một lý do nữa là bởi khu vực này có nền đất rất yếu, nếu làm khu đô thị sẽ rất tốn kém. Và muốn làm được phải đầu tư rất nhiều cho giao thông, mà như vậy cũng làm hỏng cảnh quan.

Sông Hồng trong quy hoạch chung của Thủ đô. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sông Hồng trong quy hoạch chung của Thủ đô. Ảnh: Thành Nguyễn.

Với sông Hồng, sông Sài Gòn và câu chuyện phát triển đô thị ven sông gắn với nó, theo ông, có sự khác biệt gì cần lưu ý?

Điểm chung là các dòng sông của hai thành phố này đều đang bị ô nhiễm nặng. Và nguyên nhân là bởi lỗi quy hoạch hệ thống thoát nước. Để giải quyết dứt điểm thì hệ thống thoát nước ngầm, nước thải phải được thiết kế riêng chứ không phải đổ thẳng ra sông như hiện nay. Dòng sông chỉ đảm nhận nhiệm vụ lưu chuyển về nước mặt mà thôi.

Đòi hỏi trước mắt với hệ thống sông, kênh rạch và hồ của hai đô thị lớn này là phải có chế độ cấp thoát nước cho nó. Phải giữ được hệ thủy sinh cho không gian mặt nước, vì nó làm cho dòng sông có sức sống. Việc cải tạo dòng sông phải mang nhiều yếu tố sinh thái, cảnh quan.

Cách làm hiện nay của chúng ta là đua làm kè cho các dòng sông. Tuy nhiên, việc làm nhiều kè quá sẽ dẫn đến việc nước không thẩm thấu được hai chiều, không tốt cho sức sống tự nhiên của dòng sông.

Chắc hẳn “đặc tính” đô thị ven sông tại Hà Nội, TP.HCM cũng có sự khác biệt chứ?

Hệ sông rạch ở Sài Gòn khác Hà Nội. Với Sài Gòn, hệ kênh, rạch chạy theo tuyến, chia nhánh, len lỏi vào khu ở, nên các con kênh có sự gần gũi, thân thiện với khu ở. Còn Hà Nội là hệ thống sông, hồ, nhưng sông còn ít nước và có đê bao chứ không như Sài Gòn. Sông Sài Gòn nhiều nước, gần biển nên hoạt động trên sông sôi động hơn.

Đô thị soi bóng sông ở TP.HCM. Ảnh: Shutterstock.

Đô thị soi bóng sông ở TP.HCM. Ảnh: Shutterstock.

Trên thực tế, có những khu vực mà các dự án cảnh quan dọc theo kênh rạch ở Sài Gòn được làm khá tốt, cảnh quan đẹp, môi trường tốt, vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích chung cho xã hội. Ở những khu này, giá nhà đất, dịch vụ ven sông cũng cao hẳn lên.

Còn ở Hà Nội, thực tế là Hà Nội không sống bằng sông nhiều, mà sống bằng hồ. Sông Hà nội cũng khác vì nó có đê. Sau khi hạ mặt đê đoạn Trần Nhật Duật, một bên hạ cos, một bên giữ kè, giá trị bất động sản bên mặt thoáng cũng cao hơn nhiều. Các hồ cũng được xử lý hút bùn, tạo cảnh quan tốt hơn. Tất cả những vấn đề này đều cần xem xét vì nó liên quan đến bài toán kinh tế, câu chuyện xã hội.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục