Không giảm thuế trái phiếu, lý giải từ Bộ Tài chính

(ĐTCK-online) Việc thực hiện Thông tư 64/2010/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư 134/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, theo các thành viên của VBMA, đã khiến NĐT nước ngoài phải chịu mức thuế đánh trên số lãi nhận được từ nhà phát hành trái phiếu cao gấp 10 lần so với trước thời điểm 7/6/2010.
Giao dịch trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài đang rất ảm đạm - Ảnh: Hoài Nam Giao dịch trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài đang rất ảm đạm - Ảnh: Hoài Nam

Điều này làm cho thị trường trái phiếu vốn đã èo uột nay lại càng ảm đạm hơn. Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính không cho là như vậy, đồng thời cho rằng việc giảm hoặc miễn thuế như kiến nghị của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) là nằm ngoài tầm với của Bộ Tài chính.

Các thành viên của VBMA bức xúc: theo quy định của Thông tư 64, từ ngày 7/6/2010 trở đi, mức thuế đánh trên lần mức thuế cũ, do lãi suất trái phiếu đang ở mức trên dưới 10%/năm tuỳ theo trái phiếu có kỳ hạn và đối tượng phát hành khác nhau. Giải thích kỹ hơn về sự biến động này, một thành viên của VBMA đưa ra phép tính, giả sử một NĐT đang nắm giữ lô trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng với lãi suất 10%/năm, thì theo mức thuế cũ, họ chỉ phải nộp thuế khi nhận lãi là 110.000 đồng/năm, bởi chỉ phải chịu mức thuế 0,1% tính trên mệnh giá trái phiếu và lãi thu được vào ngày trả lãi. Tuy nhiên, kể từ ngày 7/6, mức thuế này tăng lên 1 triệu đồng do phải chịu thuế 10%/số lãi NĐT nước ngoài nhận được từ nhà phát hành trái phiếu.

Trước đây, mức thuế 10%/lãi suất chỉ áp dụng đối với khoản vay nước ngoài mà không áp dụng đối với lãi trái phiếu. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Thông tư 64, NĐT trái phiếu nước ngoài sẽ phải chịu mức thuế 10%/số lãi nhận được từ nhà phát hành trái phiếu. Về bản chất, khoản vay nước ngoài hay khoản NĐT nước ngoài đầu tư vào trái phiếu Việt Nam đều là các khoản nợ nước ngoài. Tuy nhiên, hai hình thức vay này có tính chất khác nhau, bởi khoản vay nước ngoài không thể mua đi, bán lại được trên thị trường, nó cũng không phải là một khoản đầu tư, trong khi trái phiếu có những đặc tính ngược lại. Đặc biệt, đầu tư vào trái phiếu phải đối mặt với nhiều rủi ro, nên áp dụng cùng mức thuế 10% là không hợp lý. Theo VBMA, nếu muốn tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế suất thì phải đảm bảo điều kiện cần và đủ, nghĩa là phải phát sinh doanh thu và đối tượng chịu thuế. Trong khi đó, diễn biến thị trường trái phiếu hiện không đạt được các yếu tố này, nghĩa là doanh số giao dịch rất ít, nên dù có tăng thuế đến 100 lần thì khoản thu được cũng chẳng đáng là bao.

Điều đáng nói, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và các biến động kinh tế vĩ mô của Việt Nam, các NĐT nước ngoài đã bán gần hết các khoản đầu tư trái phiếu tại Việt Nam. Giao dịch trái phiếu của NĐT nước ngoài đang rất ảm đạm, nên tăng thuế sẽ đối mặt với thất bại kép: vừa không tăng được nguồn thu cho ngân sách, vừa không khuyến khích thị trường phát triển. Quan sát của VBMA cho thấy, hầu hết các nước có thị trường trái phiếu phát triển đều không đánh thuế hoặc đánh thuế rất thấp đối với hoạt động đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các NĐT nước ngoài, vì thực chất mức thuế này thường sẽ bị đưa vào giá và đẩy chi phí huy động vốn của Chính phủ, cũng như  DN của quốc gia đó ở nước ngoài tăng cao.

"Bởi vậy, chính sách thuế cần hợp lý hơn theo hướng giảm hoặc miễn để tạo ra sự cạnh tranh trong thu hút NĐT nước ngoài. Việc tăng thuế đối với NĐT nước ngoài đi ngược lại xu hướng thị trường nói chung, cũng như mục tiêu phát triển thị trường vốn và thị trường trái phiếu của Chính phủ nói riêng", ông Quỳnh nói.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, thuế chỉ là một yếu tố tác động đến sự phát triển của thị trường trái phiếu, nên nếu vội khẳng định vì sự biến động của chính sách thuế mà khiến thị trường khó phát triển là chưa thuyết phục. Mặt khác, thị trường trái phiếu đang gặp nhiều khó khăn còn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự biến động của tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như các điều kiện để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển sôi động còn nhiều khiếm khuyết. Hơn nữa, mức thuế được đề cập trong Thông tư 64 là trên cơ sở biểu thuế Quốc hội đã thông qua, nên việc tăng giảm thuế nằm ngoài tầm với của Bộ Tài chính.

Việc tăng thuế đánh vào lãi suất trái phiếu đối với NĐT nước ngoài, về thực chất sẽ bị đưa vào giá và đẩy chi phí huy động vốn của Chính phủ, cũng như DN tăng cao. Vậy liệu Bộ Tài chính có xem xét, để kiến nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế? Ông Trường cho biết, các cơ quan quản lý hoàn toàn tính toán được việc điều chỉnh thuế ảnh hưởng đến chi phí huy động vốn của Chính phủ và các DN. Trên cơ sở tính toán tổng thể lợi ích của điều hành kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý đã đưa ra lựa chọn chính sách như vậy.

Hữu Hoè
Hữu Hoè

Tin cùng chuyên mục