Muốn không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao do các thị trường nhập khẩu đặt ra, do yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tiên phong “xanh hóa” đã bắt đầu được thừa nhận.
Qua đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và giá trị vô hình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ở tầm cao hơn, thông điệp của các nhà lãnh đạo cấp cao cho thấy quyết tâm của Việt Nam không đứng ngoài xu thế. Tại Hội nghị COP28 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển cao, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao và đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0.
Khi đã có mục tiêu, nhiều chính sách sẽ được ban hành để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chương trình hành động xanh với những đầu việc cụ thể của ngành. Tới đây là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chương trình hành động cụ thể. Bộ Công Thương xây dựng tiêu chí và lựa chọn “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”…
Các cơ quan quản lý ngành cũng đang kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành Quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế. Đây sẽ là căn cứ để thúc đẩy các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư mạnh cho các doanh nghiệp, các ngành đạt tiêu chí sản xuất xanh, đầu tư xanh, tín dụng xanh khi đó được nhận định sẽ bùng nổ.
Rõ ràng, để thực hiện các cam kết xanh, cần một động lực tài chính - tín dụng bền vững và liên tục. Chuyên đề “Động lực thúc đẩy dòng vốn xanh” mà Đầu tư Chứng khoán thực hiện trong số báo tuần này có những phân tích và góc nhìn đa chiều về những cơ hội mới cho cả các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Câu chuyện của những đơn vị tiên phong có thể trở thành kinh nghiệm đáng tham khảo. Xu hướng đầu tư cho các lĩnh vực xanh là không thể đảo ngược.
Cũng có những ý kiến cho rằng, trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang rất khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp lo cơm áo gạo tiền còn chật vật, nói chi cuộc chơi xanh hóa đang rất tốn kém. Những thách thức mới có thể buộc doanh nghiệp phải theo và giải quyết các bài toán ngắn hạn, bỏ một bên những cam kết và mong muốn đầu tư xanh. Dù vậy, khuyến nghị chung của giới chuyên gia và thực tế từ các doanh nghiệp ở các thị trường quốc tế cho thấy, nếu vì khó khăn nhất thời mà bỏ qua xu hướng này, các thành viên thị trường có thể bị bỏ lại phía sau một lượng vốn đầu tư tiềm năng, cũng như nhiều cơ hội khó có thể đo đếm.
Tín dụng xanh, sản xuất xanh, đầu tư xanh đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ càng cũng như lồng ghép được những ứng dụng mang tính đổi mới sáng tạo, đi theo các xu hướng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến máy móc thiết bị, đến sản phẩm và quy trình kinh doanh... Nhưng nếu không bước những bước đầu tiên, sẽ không có hành trình và không có đích đến.