Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 sáng ngày 7/1, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước cho biết, kể từ năm 2013 đến nay, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được 2.590 tỷ đồng đối với các chi phí liên quan đến in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản… khi thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống qua lưu thông trong dịp tháng 12 và tháng Giêng.
Mặc dù không đưa tiền lẻ mới mệnh giá 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế, các tổ chức và cá nhân.
Khoảng thời gian trước đó, từ tháng 4/2018 đến hết tháng 11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra thị trường. Trong đó, bao gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ tăng là 12%, đảm bảo nhu cầu của các tổ chức cá nhân và nền kinh tế trong cả năm 2018 và tháng Giêng năm 2019.
“Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thực hiện đúng 3 nội dung chỉ đạo của Thủ tướng cho dịp Tết Nguyên đán 2019. Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu tiền mặt của toàn bộ hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, các tổ chức và cá nhân. Thứ hai, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ mới in một cách hợp lý tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, các tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống đã qua lưu thông thì Ngân hàng Nhà nước vẫn đáp ứng đầy đủ để phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế”, ông Phạm Bảo Lâm nói.
Cũng liên quan đến hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong năm 2018. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường.
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng, đến nay, có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 33,03% và 18,34% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 29,74% và 125,85% so với cùng kỳ năm 2017.
Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói…), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...
Đây là các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.