Không đủ tỷ lệ tham dự, Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán APG lần 1 bất thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2024 CTCP Chứng khoán APG diễn ra ngày 30/6 có 19 người tham dự, sở hữu và đại diện cho hơn 106,3 triệu cổ phần, tương ứng với 47,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Theo quy định, ĐHCĐ thường niên lần 1 của APG không đủ điều kiện tiến hành.
Không đủ tỷ lệ tham dự, Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán APG lần 1 bất thành

Theo công bố thông tin, APG sẽ tổ chức ĐHCĐ lần 2 vào ngày 21/7/2024 tại Hà Nội.

Nội dung đáng chú ý trong ĐHCĐ của APG là tiếp tục kế hoạch tăng vốn.

Tầm nhìn của APG trở thành một Ngân hàng đầu tư hàng đầu trong nước. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2024-2029, APG sẽ tăng vốn khá mạnh, trong đó phân bổ theo tỷ lệ 50% cho hoạt động Đầu tư, 30% cho hoạt động Bảo lãnh phát hành, 20% cho hoạt động cho vay ký quỹ và các hoạt động khác.

Riêng năm 2024, APG dự trình ĐHCĐ một loạt các phương án tăng vốn gồm, trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu 9% (thông qua phát hành 20,1 triệu cổ phiếu mới); phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1; chào bán ESOP tỷ lệ 5% và chào bán cổ phần riêng lẻ.

Cụ thể, APG sẽ chào bán 243,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thấp hơn 20,6% so với thị giá hiện nay (12.600 đồng, ngày 2/7).

Nguồn vốn huy động chủ yếu phân bổ 70% cho hoạt động tự doanh; hoạt động đầu tư các giấy tờ có giá (20%); và hoạt động môi giới (10%).

APG cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa hơn 249,3 triệu cổ phiếu. Giá chào bán dự kiến là 12.000 đồng/cp, qua đó thu về gần 3.000 tỷ đồng, phân bổ theo tỷ lệ tương tự như trên.

Dự kiến, nếu hoàn thành các phương án tăng vốn trên, vốn điều lệ APG sẽ tăng lên 7.480 tỷ đồng.

Hành trình tăng vốn điều lệ của APG được đẩy mạnh từ năm 2021, lên 732 tỷ đồng, gấp 2,15 lần năm 2020; tiếp tục tăng gấp đôi lên 1.464 tỷ đồng năm 2022. Năm 2023, ngay trước thềm ĐHCĐ đã bổ sung tờ trình phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu và phát hành 7,3 triệu cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên 2.236 tỷ đồng. Tới tháng 5/2024, APG thông báo hoàn tất việc phát hành riêng lẻ với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn bức tranh kinh doanh của APG từ khi tăng vốn mạnh tới nay có sự trồi sụt, tăng vọt năm 2021 (cùng sự thăng hoa của thị trường chứng khoán), ghi nhận lỗ nặng 190 tỷ đồng năm 2022 và có lãi trở lại 140 tỷ đồng năm 2023.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, APG đặt mục tiêu doanh thu 390,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 239 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 147,5% và 142,2% so với thực hiện 2023.

Kết thúc quý I/2024, APG chỉ mới lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng trước thuế, tương ứng hoàn thành 2,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục