Ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ với Báo ĐTCK bên lề hội thảo “Xây dựng HĐQT hiệu quả: Vai trò chiến lược cho phát triển bền vững” do Vietnam Holding tổ chức.
Xin ông cho biết một số nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp kỳ này và tiến độ thực hiện?
Luật Doanh nghiệp là luật quan trọng trong thể chế thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp kỳ này có nhiều nội dung, trong đó việc nâng cao hiệu lực quản trị doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên. Hiện nay đã có dự thảo Luật sửa đổi đầu tiên. Trong vài tuần tới, Ban Biên tập Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ họp thảo luận hoàn thiện dự thảo, sau đó báo cáo Ban chỉ đạo, tổ chức tham vấn hoàn thiện thêm. Dự định tháng 8 tới sẽ báo cáo Chính phủ, sau đó trình Quốc hội vào cuối năm và hy vọng đầu năm 2014 sẽ được thông qua.
Nói về việc nâng cao hiệu lực quản trị, ông có bình luận gì trước sự việc xảy ra ở các công ty hiện nay như lãnh đạo lạm quyền, cổ đông sáng lập rút vốn dễ dàng, các thành viên của HĐQT vi phạm pháp luật…?
Những trường hợp như Vinashin, Vinaline hay một số vụ xì-căng-đan như vừa rồi là sự thất bại về quản trị công ty. Sở hữu chéo là kiêng kỵ đặc biệt trong hệ thống các tổ chức tài chính. Đối với tập đoàn, sở hữu chéo cần phải được kiểm soát, thậm chí một số nước còn cấm. Rõ ràng, khi một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông nắm toàn bộ quyền lực trong một công ty thì cổ đông đó có thể vô hiệu hóa tất cả các thể chế tưởng như vận hành tốt, nhưng cuối cùng lại là phục vụ cho một nhóm cổ đông có quyền chi phối. Rủi ro đạo đức này rất lớn.
Ngoài yếu tố nội bộ của các công ty thì thị trường vừa qua cũng thúc đẩy hoạt động đầu cơ, trục lợi nhiều hơn là kinh doanh hiệu quả. Không ít người giàu có xuất phát từ đầu cơ, kiếm chênh lệch giá. Đáng ra, sau khi đã có vốn từ đầu cơ rồi thì phải tính chuyện kinh doanh nghiêm túc, tạo ra giá trị gia tăng, thịnh vượng cho xã hội, nhưng động lực thúc đẩy đầu cơ mạnh quá tạo ra vòng xoáy tiền - tiền - tiền. Tiền lẽ ra phải được đầu tư để tạo hàng hóa mới, lại chỉ loanh quanh tạo cung - cầu giả để thổi giá lên. Những người chạy theo đầu cơ như thế đã lấy tiền bạc của những người khác. Rõ ràng, ở đây, môi trường kinh doanh cũng có vấn đề khi chưa tạo được động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thực sự.
Thưa ông, để tránh rủi ro đạo đức, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát. Nhà nước nên làm gì để thúc đẩy quá trình này, chẳng hạn như sửa luật để không cho thành viên HĐQT là cổ đông chi phối được Ban kiểm soát?
Theo tôi, chúng ta phải luôn tôn trọng quyền của người sở hữu, họ có quyền tối cao trong việc ra quyết định vì lợi ích của chính mình. Nếu can thiệp như vậy sẽ trái với nguyên tắc này. Ở Việt Nam , ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về kiểm soát thì Chính phủ có thể bằng hành động của mình để thúc đẩy tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát. Với tư cách chủ sở hữu, Chính phủ có thể đưa ra những quy định đối với công ty của mình, như quyết định nâng cao vai trò của HĐQT, tăng cường các thành viên HĐQT độc lập, nâng cao vai trò của Ban kiểm soát.
Thực tế cho thấy, nhiều sai phạm của thành viên HĐQT, lãnh đạo công ty làm cho cổ đông nhỏ bị thiệt hại hoặc mất trắng tài sản, nhưng không thấy cổ đông nào đi kiện những người có trách nhiệm liên quan đã không làm tròn bổn phận của mình. Phải chăng cổ đông quá hiền?
Tôi nghĩ, hầu hết các cổ đông nhỏ cũng bị cuốn vào vòng xoáy đầu cơ nhiều hơn là chú ý đến lợi ích của mình trong công ty. Họ mua cổ phiếu rồi mong ngóng giá tăng lên hơn là tìm hiểu tài liệu, hồ sơ, số liệu, tìm kiếm những bằng chứng để sau này có thể kiện được. Chính bản thân họ cũng không có sự chuẩn bị làm điều đó. Mặt khác, nếu ai đó muốn làm điều đó thì quá tốn kém nên thà không làm còn hơn. Cách tốt nhất mà cổ đông nhỏ có thể làm hiện nay là “bỏ chạy” khỏi công ty có “vấn đề”.