Bất hợp lý trên được đại diện Kiểm toán Nhà nước đưa ra khi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 21/2 về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước - Nguyễn Quang Thành, hướng dẫn của Bộ Tài chính về trạm thu phí BOT quy định vị trí trạm thu phí phải có khoảng cách 70km, song thực tế xảy ra 2 tình trạng.
Một là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án. "Thực tế này dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư", ông Thành cho biết.
Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km nhưng đều được sự chấp thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và địa phương. Việc này làm cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.
"Kết quả kiểm toán cho thấy việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng. Nguyên nhân do tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng...".
Do đó, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần xem lại hướng dẫn và quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu là 70 km để tránh gây bức xúc dư luận.
Về mức thu phí BOT, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu tình trạng "cứ qua trạm là thu phí, không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức phí như nhau".
Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí khi hằng ngày, họ vẫn phải di chuyển qua số trạm thu này, dù quãng đường đi rất ngắn nhưng lại phải trả phí cao.
Phó tổng kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, kết quả kiểm toán cho thấy việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng. Nguyên nhân do tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng...
Cùng với đó, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.
Góp ý tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam nêu quan điểm, việc đặt quá nhiều trạm thu phí trên đường dài đã đành, nhưng đặt trong đường nội bộ khiến người dân bức xúc, cần phải xem xét làm rõ thêm tiêu chí lựa chọn dự án BOT trong đó có trạm thu phí.
Theo ông Long lợi nhuận của nhà đầu tư từ thu phí trong khi phí phụ thuộc lưu lượng giao thông nhưng các chủ đầu tư cứ tăng "ầm ầm", không ai kiểm soát.
Dẫn chứng một số quốc gia đã giám sát hiệu quả đầu tư các dự án BOT rất chặt, ông Long đề nghị đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ tăng tần suất giám sát hạng mục đầu tư này và giám sát theo định kỳ 1 năm hoặc 3 năm.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Hà Văn Hiền cũng cho rằng có nhiều vấn đề cần làm rõ trong việc thiếu kiểm soát các dự án BOT hiện nay để các chủ đầu tư tự tung tự tác, dẫn đến thất thoát, tiêu cực từ tài chính đến chất lượng dự án...
“Tại sao có sự nhầm lẫn giá định mức, nhầm lẫn trong xác định tổng mức đầu tư. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước chặt chẽ, sẽ không có tình trạng này. Tại sao không đấu thầu mà phần lớn chỉ định thầu”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi.
Chia sẻ quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Dương Quốc Anh cũng cho rằng ngay việc tổ chức hội nghị nhiều khi cũng phải đấu thầu, mà với những dự án đầu tư lớn như BOT lại chỉ định thầu, thì cần xem xét lại. "Phải thông qua đấu thầu công khai minh bạch số BOT này", ông Quốc Anh nói.