Là người theo dõi diễn biến thị trường bất động sản từ những năm 2006 - 2007 đến nay, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điểm nóng khó giải quyết nhất của thị trường bất động sản hiện nay khi hàng loạt dự án bất động sản đã huy động vốn của nhà đầu tư, nhưng không tiến hành xây dựng đúng cam kết. Thậm chí, chủ đầu tư còn mang chính dự án đã huy động vốn của khách hàng để thế chấp, vay tiền ngân hàng rồi “ôm” cả tiền của ngân hàng lẫn nhà đầu tư thứ cấp bỏ trốn khiến khách hàng mất niềm tin, thị trường trở nên hỗn loạn như hiện nay.
Hàng loạt vụ việc của các chủ đầu tư dự án tại Hà Nội như Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 với Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 huy động của khách hàng hơn 780 tỷ đồng (vụ việc mới đưa ra xét xử tháng 12/2012); Công ty Sông Đà Thăng Long với Dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) huy động của khách hàng hơn 4.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí (PVCR) với Dự án Hanoi Time Tower (Hà Đông, Hà Nội), Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Ngọc Lan với Dự án Chung cư 83 - Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội)... cũng huy động của người mua nhà hàng trăm tỷ đồng rồi không tiến hành xây dựng đúng cam kết khiến hàng ngàn rơi vào cảnh “tiền mất, nhà tan”, nhưng nhiều chủ đầu tư trong số này vẫn vô can. Bài học đau đớn này khiến những người có tiền, có nhu cầu thực về nhà ở không còn dám góp vốn vào dự án địa ốc.
Năm 2012, các vụ kiện cáo của khách hàng phần lớn là do các chủ đầu tư huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của khách hàng, sau đó đầu tư vào nhiều dự án khác nhau dẫn đến tình trạng mất thanh khoản. Dự án cũ không có tiền để xây dựng theo tiến độ cam kết, dự án mới không thể triển khai, doanh nghiệp không có dòng tiền để tiếp tục đầu tư dự án. Trước đây, nhân lúc thị trường “sốt nóng”, chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà bằng các hợp đồng góp vốn, vay vốn. Nhưng những đồng vốn đó đã không được giải ngân triệt để cho dự án đã huy động, mà lại được chủ đầu tư đầu tư cho dự án khác, hoặc góp vốn vào các dự án khác. Khi thị trường điều chỉnh giảm, hầu hết các dự án đều bị “chết chùm”! Đó là chưa kể nhiều trường hợp doanh nghiệp đầu tư bất động sản theo kiểu “tay không bắt giặc” như trường hợp Công ty Sông Đà Thăng Long, trong khi vốn điều lệ chỉ có 150 tỷ đồng, thì doanh nghiệp này đã mạnh tay đầu tư Dự án Usilk City với quy mô đến 10.000 tỷ đồng và nhiều dự án khu vực phía Nam với quy mô hàng ngàn tỷ đồng.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, vấn đề không phải là quy định có cho nhà đầu tư thứ cấp góp vốn hay không, góp bao nhiêu phần trăm, quy định chủ đầu tư bán hàng ở giai đoạn nào, bán bao nhiêu…, mà quan trọng là phải có chế tài bảo vệ những đồng vốn góp của người dân.
“Phải có chế tài đảm bảo những đồng vốn mà chủ đầu tư huy động được giải ngân cho chính dự án đó, không thể để chủ đầu tư huy động vốn rồi muốn làm gì thì làm, lấy tiền của dự án này đầu tư vào dự án khác. Khi thị trường điều chỉnh, dự án “chết” dây chuyền, khiến nhà đầu tư thứ cấp bị vạ lây.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 02/2012/NQ-CP chưa hoàn toàn “trúng” và nếu thực hiện không cẩn trọng, lại là đổ tiền cứu “nhà giàu”.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh), điều quan trọng nhất vẫn là câu chuyện minh bạch thông tin, công khai quy trình cấp phép dự án để người dân và báo chí có thể kiểm tra, giám sát và bày tỏ ý kiến phản biện đến cơ quan chức năng một cách dễ dàng. Có như vậy, thị trường bất động sản mới có thể phát triển bền vững.