Hàng châu Âu đổ bộ thị trường nội
EVFTA là hiệp định thương mại tự do mới nhất có hiệu lực, giúp thị trường xuất nhập khẩu mở rộng, đa dạng hóa. Nhưng, ở chiều ngược lại, hàng Việt ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu.
Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ euro.
Như vậy, nếu chỉ tính riêng hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo sự cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại thị trường nội, đó là chưa kể tới hàng hóa từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... tiếp tục đổ vào nước ta do doanh nghiệp nước ngoài tận dụng các FTA đã có với Việt Nam để khai thác thị trường với sức mua gần 100 triệu dân.
Bà Lê Việt Nga, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, các FTA đi vào thực thi ngày càng nhiều, doanh nghiệp Việt đứng trước thách thức lớn, khi hàng ngoại tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Việc mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ những nước đối tác theo cam kết trong các FTA khiến thị trường trong nước không còn khái niệm “sân nhà”. Đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh chưa cao như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít thách thức bởi cạnh tranh không cân sức với hàng nhập khẩu.
Dù hàng Việt đang được các nhà phân phối bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ, nhưng tỷ lệ này sẽ không thể giữ vững nếu sự cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước chậm được nâng cao cả về chất lượng, giá cả và yếu tố khác biệt.
Bộ Công thương cho biết, EVFTA đã đi vào thực thi được hơn 3 tháng, hàng chất lượng cao từ EU đang gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam, điển hình là ngành thực phẩm, chăn nuôi gia súc gia cầm, cho tới sản phẩm nông nghiệp như các loại trái cây nhập khẩu như nho, lê, cherry, việt quất, cam…
Nhìn vào tốc độ tăng nhập hàng hóa từ EU, có thể thấy, các doanh nghiệp thương mại trong nước và doanh nghiệp châu ÂU đang tích cực khai thác EVFTA. Cụ thể, 10 tháng của năm 2020, trong khi hàng hóa từ Hàn Quốc, ASEAN nhập vào Việt Nam đều giảm 5,3 - 8,5%, thì nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%.
Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Minh Việt (Hà Nội), công ty ông đã làm việc với nhà sản xuất tại Bỉ và Pháp để nhập khẩu trực tiếp sản phẩm thịt, sữa, phô mai… về phân phối tại Việt Nam.
“Nhập khẩu trực tiếp sẽ có lợi thế hơn về giá, các nhà sản xuất cũng áp dụng giá linh hoạt, chăm sóc nhà mua hàng nhiều hơn, đồng thời khai các mã HS để được giảm thuế theo từng mặt hàng”, ông Minh cho biết.
Dồn sức vực doanh nghiệp tư nhân trưởng thành
Để hàng Việt trụ vững ngay tại thị trường nội, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, cần phải có chiến lược xây dựng các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, trụ cột.
“Khu vực kinh tế tư nhân hiện mới đóng góp khoảng 10% GDP, chưa bằng một góc của khối doanh nghiệp FDI, nên muốn hàng hóa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà, chỉ còn cách dồn sức để doanh nghiệp tư nhân trưởng thành”, ông Thiên nói.
Khi phát triển được các doanh nghiệp tư nhân “đầu đàn” đủ lớn về năng lực sản xuất, tài chính, thị trường trong từng lĩnh vực, sẽ giúp kéo các ngành nghề sản xuất lớn mạnh, tăng được sức cạnh tranh.
Trong một thị trường mà khái niệm “sân nhà” ngày càng mờ nhạt, cách duy nhất để không bị đánh bại là nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng, yếu tố khác biệt, tần suất ra mắt sản phẩm mới, hình thành hệ thống phân phối với nhiều kênh bán hàng đa dạng…
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp chia sẻ kinh nghiệm, để có thể cạnh tranh trong thời đại hội nhập, hoạt động nghiên cứu được Công ty rất chú trọng. Hàng năm, Công ty cho ra đời 10 - 15 sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến, thiết kế sang trọng, hiện đại. Nhờ đó, khóa Việt Tiệp không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Tính đến tháng 1/2020, cả thế giới đã có 303 FTA có hiệu lực trong tổng số 483 FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.
Việt Nam hiện là thành viên của 13 FTA, trong đó CPTPP là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia; tiếp theo là EVFTA.
Nguồn: Ban thư ký WTO
“Việc tham gia các FTA mang lại lợi thế và cả thách thức cho doanh nghiệp ở góc độ kinh tế và pháp luật. Là doanh nghiệp, chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ của mình là tìm hiểu nhu cầu thị trường, khách hàng và các nội dung cam kết, chuẩn bị sẵn thế và lực để đáp ứng”, ông Thắng nói.
Nhờ phát triển song hành 2 kênh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khá nhịp nhàng, tận dụng lợi thế từ các FTA, năm 2019, doanh thu của Khóa Việt Tiệp ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Phó ban Kinh tế và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa là một lợi thế cho doanh nghiệp, nhưng còn không ít doanh nghiệp quá tập trung vào kênh xuất khẩu mà quên thị trường gần.
Theo ông Hồng, doanh nghiệp hãy đầu tư cho thị trường nội địa để tận dụng sức mua ngày càng lớn, có ưu thế về cung ứng nhanh, vận chuyển gần, am hiểu thị hiếu người Việt, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.