Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý thuốc giả

0:00 / 0:00
0:00
Đây là thông điệp mạnh mẽ được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại hội thảo “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?” tổ chức ngày 26/5 tại TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.

Còn nhiều lỗ hổng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nạn thuốc giả là một vấn đề nhức nhối, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, uy tín ngành y và cả hệ thống kinh tế dược.

“Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Dù chỉ một viên thuốc giả cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải bị xử lý nghiêm minh”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu tổ công tác chuyên trách phòng chống thuốc giả của Bộ Y tế, quan điểm của ngành là không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý các hành vi liên quan đến thuốc giả. Đồng thời, cũng phải xử lý cả những trường hợp bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để thuốc giả len lỏi trong hệ thống phân phối.

Thực tế cho thấy, dù hệ thống pháp luật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm đã có nhiều bước tiến, tình trạng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là với các loại thuốc cổ truyền và sản phẩm trôi nổi trên mạng xã hội. Lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, các đối tượng đã sử dụng người nổi tiếng, danh xưng bác sĩ hoặc quảng cáo trá hình để bán thuốc giả như “thần dược”.

“Chúng ta đã ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam. Đây là đường dây có tổ chức, quy mô lớn, đã bị triệt phá nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng”, Thứ trưởng Tuyên chia sẻ.

Thông tin về tổng quan thực trạng quản lý thuốc và giải pháp ngăn chặn thuốc giả tại Việt Nam, TS. Tạ Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dược tương đối đầy đủ, với Luật Dược, Bộ luật Hình sự, cùng hàng loạt Nghị định, Thông tư và quy trình quản lý từ tiền kiểm đến hậu kiểm, song công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Theo ông Hùng, các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất chui mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho thuốc giả thâm nhập hệ thống chính thống.

Ngoài ra, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại Việt Nam - với 3 viện trung ương và 62 trung tâm cấp tỉnh – vẫn đang thiếu trang thiết bị hiện đại để kiểm tra nhanh tại chỗ, chưa đồng bộ về năng lực. Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với thuốc không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự.

14 mẫu thuốc gia truyền do đơn vị thuộc công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ năm 2024. Trong 14 mẫu, có 13 mẫu bị phát hiện có pha trộn thuốc tân dược, có mẫu trộn từ 2-3 loại tân dược. (Ảnh: Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM)

14 mẫu thuốc gia truyền do đơn vị thuộc công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ năm 2024. Trong 14 mẫu, có 13 mẫu bị phát hiện có pha trộn thuốc tân dược, có mẫu trộn từ 2-3 loại tân dược. (Ảnh: Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM)

Hoàn thiện pháp luật, tăng chế tài và kiểm soát kinh doanh online

Theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành, để ngăn chặn thuốc giả hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung các quy định chặt chẽ về quản lý thuốc, đặc biệt là thuốc bán qua nền tảng trực tuyến. Việc công khai danh tính các nhà phân phối, kiểm soát hoạt động bán thuốc online, siết chặt thanh tra - kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dược được xem là các giải pháp thiết thực.

Luật sư Phan Thành Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng thuốc giả hiện nay là sự bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước. Cơ cấu tổ chức còn chồng chéo, người đứng đầu địa phương chịu nhiều trách nhiệm trong khi thiếu nguồn lực và cơ chế hỗ trợ hiệu quả.

Bên cạnh đó, Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện hành được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, khi hành vi buôn bán thuốc giả vẫn có thể chỉ bị xử án treo. Chưa tương xứng với hậu quả và nguy cơ xảy ra đối với xã hội.

Từ đó, luật sư Tâm kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để tăng chế tài hình sự đối với các hành vi nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, buôn bán thuốc giả. Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, tăng cường hậu kiểm, tiền kiểm thuốc chữa bệnh, giám sát hoạt động quảng cáo, bán thuốc trên mạng xã hội và thiết lập đường dây nóng tố giác thuốc giả.

Ứng dụng công nghệ để kiểm soát và truy vết

Trong bối cảnh thuốc giả ngày càng tinh vi, các chuyên gia công nghệ cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số trong quản lý và truy xuất nguồn gốc. TS. Tạ Mạnh Hùng cho rằng, một trong những trụ cột quan trọng là phát triển cơ sở dữ liệu ngành dược toàn quốc, tích hợp blockchain, phần mềm theo dõi đơn thuốc và bệnh án điện tử.

Ông Phan Thanh Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh khối doanh nghiệp FPT IS nhận định, để kiểm soát thuốc giả hiệu quả, ngành y tế cần áp dụng quản lý chất lượng bằng dữ liệu gần thời gian thực (near real-time). Điều đó đòi hỏi hiện đại hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất, lưu hành đến phân phối và người tiêu dùng.

Ông Sơn đề xuất định danh từng loại thuốc theo số đăng ký, nhà sản xuất, nhà phân phối và gắn mã QR, mã định danh hoặc chip RFID để truy xuất nguồn gốc. Thiết bị kiểm soát hàng hóa cần được kết nối với hệ thống dữ liệu Bộ Y tế nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường.

“Người dân cũng có thể sử dụng điện thoại để kiểm tra thông tin thuốc, hạn dùng và được cảnh báo nếu phát hiện sản phẩm có dấu hiệu giả”, ông nhấn mạnh.

Hải Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục