Không có thương nhân nào đăng ký đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường 2020

0:00 / 0:00
0:00

Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 103.000 tấn đường đường năm 2020 theo dự kiến diễn ra vào 2/12/2020 nhưng hết thời hạn nhận hồ sơ, không có thương nhân đăng ký tham gia.

Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 không được tổ chức do không có thương nhân đăng ký tham gia. Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 không được tổ chức do không có thương nhân đăng ký tham gia.

Bộ Công Thương vừa thông tin về việc không tổ chức Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020.

Trước đó, Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 đã thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 103.000 tấn đường (mã HS 17.01) năm 2020 vào ngày 02 tháng 12 năm 2020 tại Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cụ thể, số lượng đường tham gia đấu giá là đường thô (mã HS 17.01): 72.000 tấn; Đường tinh luyện (mã HS 17.01): 31.000 tấn. Giá khởi điểm với đường thô là 2.400.000 đồng/tấn; Đường tinh luyện: 2.400.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nhận hồ sơ (17h00 ngày 24 tháng 11 năm 2020), Hội đồng đấu giá không nhận được hồ sơ tham gia đấu giá nào của thương nhân.

Căn cứ quy định tại Luật đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá thông báo không tổ chức Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2020 do không có thương nhân đăng ký tham gia.

Chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương triển khai lần đầu tiên vào năm 2016, chương trình mang lại 138 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi có lợi nhuận từ việc bán đường tinh nhập khẩu và luyện đường thô. Việc tổ chức vào quý cuối năm cũng được đánh giá là thời điểm phù hợp, vì doanh nghiệp mía đường trong nước đã xong mùa vụ nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn (30.000 tấn đường tinh luyện; 68.000 tấn đường thô). Đã có 8 doanh nghiệp tham gia đấu giá; trong đó, 6 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, 2 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường thô.

Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

Kể từ đây, thị trường đường trong nước đã trở thành điểm đến của hàng triệu tấn đường nhập khẩu từ ASEAN. Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, 10 tháng qua đã có 1,3 triệu tấn đường nhập khẩu được nhập về thị trường trong nước, trong đó 90% là đường Thái Lan.

Dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Và đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.

Cụ thể, trong tổng số 40 nhà máy mía của ngành đường Việt Nam, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Đến niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục