Không có quy hoạch, sẽ không có cơ sở thực hiện dự án đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
Dù xác định lập quy hoạch chính là vạch ra tầm nhìn, đường đi cho sự phát triển của đất nước, của ngành, của địa phương, nhưng đến nay, công tác lập quy hoạch ở mọi cấp vẫn chậm.
Để phát triển nhanh và bền vững, cần có những quy hoạch bài bản, xuyên suốt từ cấp quốc gia đến địa phương. Ảnh: Đ.T Để phát triển nhanh và bền vững, cần có những quy hoạch bài bản, xuyên suốt từ cấp quốc gia đến địa phương. Ảnh: Đ.T

Lo lỡ một thời kỳ phát triển

Cuối tháng 3/2021, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt là bởi, đây là bản quy hoạch tỉnh đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch, tức lập theo phương pháp tích hợp, được đưa ra thẩm định. Sau Bắc Giang là Hà Tĩnh.

Khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch cho biết, Bắc Giang rất tích cực xây dựng và hoàn thiện quy hoạch là bởi, họ đang có cơ hội rất lớn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Thời điểm đó, Bắc Giang vừa nhận thêm dự án 270 triệu USD của Tập đoàn Foxconn. Trước đó, hàng loạt dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, của Goertek, Foxconn, Luxshare… đã “đổ bộ” vào tỉnh này, đưa Bắc Giang trở thành một “điểm nóng” về thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực phía Bắc.

“Họ muốn chớp thời cơ, muốn tận dụng cơ hội vàng này để thu hút đầu tư. Có một bản quy hoạch tốt, với các định hướng rõ ràng chính là cách để Bắc Giang có thể làm được điều này”, vị thành viên Hội đồng Thẩm định nói.

Chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi chủ trì phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về công tác quy hoạch, được tổ chức vào cuối tuần qua, cũng đã nhấn mạnh: “Có quy hoạch tốt thì mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Nhà đầu tư tốt sẽ giúp sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế có hiệu quả”.

Không có quy hoạch, sẽ không có cơ sở thực hiện các dự án đầu tư mới, đánh mất các cơ hội phát triển. Nhưng không chỉ là với thu hút đầu tư, kể cả đầu tư công, hay đầu tư nước ngoài. Lập quy hoạch, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn nói, chính là cách để chúng ta xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của đất nước, của các ngành, của từng vùng và của các địa phương.

“Chúng ta vẫn nói, nếu muốn đi nhanh thì phải chọn được con đường đúng. Đây chính là cơ hội xác lập lại con đường đúng để đi nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Có tầm quan trọng như vậy, nhưng cho đến nay, kể từ sau khi Luật Quy hoạch 2017 được thông qua và có hiệu lực thi hành, công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh vẫn chậm.

Theo báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, kể cả các quy hoạch cấp quốc gia, lẫn quy hoạch vùng, cũng như quy hoạch tỉnh đều chưa đạt tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Thậm chí, ngay cả với quy hoạch tỉnh, cho tới nay, còn 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM còn chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định. Ngoài Bắc Giang và Hà Tĩnh đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì chỉ có 5 địa phương đang trình hồ sơ thẩm định, gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai. Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 33 địa phương lập xong quy hoạch tỉnh, gửi xin ý kiến và trình thẩm định theo quy định.

Lập quy hoạch là vạch đường đi cho đất nước, cho địa phương. Điều đó có nghĩa, vai trò của công tác lập quy hoạch là rất quan trọng.

“Công tác quy hoạch rất quan trọng vì làm gì cũng cần có quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Thế nhưng, tiến trình đang chậm. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất lo. Ông lo rằng, quy hoạch chậm thì sẽ “lỡ một thời kỳ phát triển của đất nước”.

Cuộc cách mạng trong công tác lập quy hoạch

Có rất nhiều lý do khiến công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch chậm, trong đó có cả dịch Covid-19. Nhưng có lẽ, cái khó lớn nhất là lần này, cả nước phải lập quy hoạch theo hướng tích hợp. Đây là lần đầu tiên, công tác lập quy hoạch được thực hiện theo phương pháp như vậy.

“Khó, rất khó”, là điều không chỉ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Vì khó, nên Luật Quy hoạch đã phải mất 3 kỳ họp Quốc hội mới được thông qua. Quốc hội cũng đã phải ban hành 2 luật khác để sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh, thì mới đồng bộ được với Luật Quy hoạch.

Trước khi có Luật Quy hoạch, cả nước có tới gần 20.000 bản quy hoạch khác nhau. Nhiều là một nhẽ, vấn đề nằm ở chỗ, các quy hoạch này rời rạc, thiếu sự liên kết, thậm chí xảy ra chuyện “cát cứ” giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng miền, dẫn tới nguồn lực không được tận dụng một cách hiệu quả nhất.

Nhưng triển khai xây dựng quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại khác, vì lập theo phương pháp tích hợp, với cách tiếp cận đa ngành, nên không gian phát triển của đất nước và từng địa phương sẽ được phân bổ lại một cách bài bản, khoa học, từ đó mở ra các cơ hội và không gian phát triển mới. Cũng sẽ không còn những quy hoạch rất “trời ơi”, như quy hoạch rượu, bia thuốc lá, quy hoạch các điểm bán lẻ xăng dầu, điểm kinh doanh karaoke…

“Hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, sẽ thay thế 19.285 quy hoạch đã được lập cho thời kỳ trước đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Còn một quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp sẽ thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn từng tỉnh trước đây.

Tất cả sẽ làm nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch. Nhưng vì “làm cách mạng”, nên sẽ khó. Bởi lập quy hoạch còn cần một hệ thống dữ liệu dùng chung, cần các nhà lãnh đạo bộ ngành, địa phương không chỉ có tầm nhìn xa, mà còn phải từ bỏ được lợi ích nhóm, tính cát cứ, cục bộ của bộ, ngành, địa phương để cùng ngồi lại thảo luận và xây dựng các bản quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, hay của vùng, của ngành, làm sao tất cả “khớp” được với nhau.

“Một trong những khó khăn lớn nữa là chúng tôi phải lập quy hoạch tỉnh trong khi chưa có các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Do đó, làm sao ‘khớp’ được là một thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.

Đây cũng là tâm tư của không ít địa phương, là cái khó chung trong công tác lập quy hoạch tỉnh hiện nay. Lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cà Mau cũng đều nhấn mạnh điều này.

Chẳng hạn, Cà Mau lo quy hoạch không gian biển quốc gia… “Việc lập quy hoạch song song là rất khó, nhất là với Cà Mau, là cực Nam của Tổ quốc. Quy hoạch của chúng tôi còn liên quan đến cả vấn đề an ninh - quốc phòng, quy hoạch không gian biển quốc gia. Nếu sau này phải điều chỉnh quy hoạch, tỉnh sẽ rất khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.

Tuy nhiên, “gỡ khó” cho các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lập các quy hoạch hiện nay phải thực hiện đồng thời, theo nguyên tắc “đúng dần”. “Khi nào quy hoạch cấp trên làm xong, thì quy hoạch cấp dưới điều chỉnh, quy hoạch cấp trên cũng phải dựa vào quy hoạch cấp dưới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Để làm đồng thời và thông suốt, theo Bộ trưởng, tới đây, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, để các địa phương dựa vào đó chủ động xây dựng quy hoạch, mà không cần chờ quy hoạch cấp trên được phê duyệt. Dự kiến, khung định hướng này sẽ được ban hành trong tháng 9 tới.

Ngoài ra, các vướng mắc về kinh phí lập quy hoạch cũng đang từng bước được tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập quy hoạch trong thời gian tới.

“Chúng ta phải đổi mới tư duy trong việc lập quy hoạch, không còn cát cứ, mà phải lồng ghép các quy hoạch với nhau. Công tác quy hoạch cần tầm nhìn mang tính chiến lược để bảo đảm có sức sống dài hạn và hiệu quả cho việc phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mới của cả Việt Nam và quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đòi hỏi tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Tránh tư duy cát cứ, lợi ích cục bộ là một chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn khẳng định: “Quy hoạch phải được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tế của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch”.

Thực tế, Việt Nam đã đặt ra những khát vọng và mục tiêu to lớn vào các dấu mốc lịch sử 2030 và 2045. Vì thế, việc lập quy hoạch lần này chính là một bước giúp Việt Nam hiện thực hóa được các mục tiêu này.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc lập quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, cũng như tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi, khó khăn… của các địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: “Không ai hiểu mình hơn chính mình. Chỉ có chúng ta mới biết được chúng ta có những tiềm năng, lợi thế gì, có tầm nhìn ra sao, mong muốn 20-30 năm tới như thế nào, để từ đó lập quy hoạch sao cho phù hợp và hiện thực hóa được mục tiêu đó”.

Xác định như vậy, nên dù có thuê tư vấn lập quy hoạch, song lãnh đạo các sở, ngành Bắc Giang mới chính là những người “lăn lộn” nhất trong công tác lập quy hoạch cho tỉnh.

Đồng tình với cách làm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các ngành, các địa phương không được ỷ lại vào tư vấn, mà phải cùng vào cuộc với tư vấn, làm rõ hướng phát triển của mình.

Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, tới đây, phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; đồng thời khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch…

Bộ trưởng đề nghị, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai quyết liệt việc tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch.

Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 20/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 33/63 quy hoạch hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục