Thống kê từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết, hiện nay Việt Nam đang có cơ cấu dân số "vàng" với độ tuổi từ 25 - 45 chiếm tỷ lệ 32,23% cơ cấu dân số. Mỗi năm, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có khoảng 50.000 - 60.000 người trong độ tuổi này lập gia đình/thành phố. Vì thế, nhu cầu về nhà ở từ bộ phận này rất lớn.
Với những đối tượng này, mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân, việc có ngay từ khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng để mua một căn hộ bình dân đã là rất khó. Vì vậy, họ thường hướng tới việc mua nhà theo hình thức trả góp nhằm cân đối giữa khả năng tài chính có hạn mà vẫn đảm bảo được không gian sống mơ ước, bên cạnh đảm bảo cho khoản đầu tư của mình.
Nói là vậy, tuy nhiên, trên thực tế bài toán mua nhà trả góp lại không hề dễ dàng như mong muốn của nhiều người. Đặc biệt, sau khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chính thức dừng giải ngân từ đầu năm 2016 thì việc mua nhà trả góp trở thành bài toán khó với không ít người do vướng bài toán lãi suất ngân hàng.
Nếu như gói 30.000 tỷ đồng người mua nhà được vay với lãi suất ưu đãi hàng năm chỉ từ 4,5 – 5% mỗi năm, duy trì trong nhiều năm liền, thì kể từ khi gói này dừng lại, người mua nhà theo các chương trình trả góp bị áp theo mức lãi suất thị trường.
Tính toán từ một vị chuyên gia tài chính cho biết, một dự án hiện nay để ở được có giá trị vào khoảng 1 tỷ đồng, người mua nhà vay ở mức tối đa 70% trong 20 năm, mức lãi suất trung bình thị trường hiện nay khi mua nhà vào khoảng 10,5%/năm thì hàng tháng áp dụng theo phương thức trả góp định kỳ theo dư nợ giảm dần sẽ phải là khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng trong 5 năm đầu, sau đó sẽ giảm dần trong 15 năm tiếp theo.
Nếu được chủ đầu tư hỗ trợ ưu đãi lãi suất 0% (thường tối đa 18 tháng đầu tiên), thì sẽ chỉ chịu phần lãi khoảng 3 triệu trong 18 tháng đầu, sau đó sẽ bước vào chu kỳ trả nợ (gốc +lãi) bắt đầu từ khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Cộng với khoản chi tiêu gồm chi phí sinh hoạt ăn ở khoảng 12 triệu/tháng, chi phí ăn học cho con cái (nếu có) khoảng 6 – 7 triệu/tháng, thì tổng thu nhập của 2 vợ chồng chí ít sẽ phải rơi vào từ 27 – 30 triệu đồng/tháng mới đủ tham gia chương trình trả góp, tương đương với mỗi người có thu nhập khoảng từ 13 - 15 triệu đồng/tháng.
Đây được coi là mức thu nhập thuộc nhóm trung bình khá và thường chỉ có những người có kinh nghiệm làm việc từ 5 - 10 năm trở lên mới đạt được. Chưa kể, để có mức 30% số tiền ban đầu (mới đủ điều kiện vay 70% còn lại), thì với thu nhập từ 27 - 30 triệu đồng cũng sẽ phải tích lũy từ 3 – 5 năm. Nếu muốn phần lãi giảm đi, thì bắt buộc sẽ tích lũy thêm vài năm nữa.
Điều này cho thấy rằng, sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng lại, không nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay sau khi lập gia đình dám tiếp cận các gói vay tài chính từ ngân hàng để sở hữu "không gian sinh hoạt" cho riêng mình và gia đình.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường hiện nay đang thiếu các gói giải pháp tài chính hỗ trợ cho người mua nhà.
Thực tế, ngay cả với những căn hộ có giá rẻ nhất (thường đi cùng với diện tích và hạ tầng xã hội cũng khá khiêm tốn) thì người mua nhà cũng phải có thu nhập trung bình khá trở lên mới dám tham gia. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này không nhiều, trong khi nhóm có nhu cầu ở thực (thu nhập dưới trung bình khá) lại chiếm tỷ lệ khá lớn. Đây là thực tế cần phải có hướng xử lý.
"Rất nhiều chủ đầu tư thời gian vừa qua đã chuyển hướng sang làm những căn hộ với tầm tiền vừa phải hơn, để hướng tới nhóm người chiếm 80% nhu cầu thực hiện nay. Tuy nhiên, đó với chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là cũng cần hướng tới hỗ trợ về mặt tài chính để người mua nhà thực sự tiếp cận với những dự án vừa tầm tiền này. Khi đó mới có thể giải được bài toán cung cầu chưa gặp nhau được như hiện nay", ông Nam.
Cũng theo ông Nam, nhờ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi trước đây, hàng ngàn gia đình, hàng trăm cặp vợ chồng trẻ đã được tiếp cận và mua nhà với giá rẻ. Đó cũng là động lực đầu tiên để thị trường có sự trở lại ấn tượng như thời gian vừa qua.
Vì thế, để tiếp tục duy trì được động lực này, nhất thiết cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, xem xét ra thêm nhiều gói hỗ trợ tín dụng khác phục vụ cho nhu cầu mua nhà của những người trẻ, chưa có nhiều tích lũy hoặc có thu nhập thấp.