Một trong những nút thắt đối với đầu tư ngành điện chính là cách tính giá điện như hiện nay còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao.
Ngày 20/8, tại Toạ đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng cho biết, vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng |
Mỗi quốc gia có cách tính giá điện khác nhau, không có cách tiếp cận chuẩn. Tuy nhiên, điểm đầu tiên mà các quốc gia luôn cố gắng hướng đến là tính đúng, tính đủ chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Với cách tiếp cận như vậy, cơ cấu biểu giá bao giờ cũng phải thể hiện đúng việc cung cấp điện cho hộ sản xuất, cho hộ sinh hoạt có khác biệt gì và từ khác biệt đó dẫn tới cơ cấu giá khác biệt thế nào.
Từ câu chuyện tính đúng, tính đủ, minh bạch trong chi phí đến câu chuyện xây dựng cơ cấu biểu giá. Thông thường, cơ cấu biểu giá đều mang 2 thành phần: Một là tính toán chi phí công suất mà chúng ta gọi là giá công suất (giá thuê bao); hai là chi phí điện năng, tức là sau phí thuê bao thì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Đây thông thường là cách tiếp cận của các nước trên thế giới.
“Nhìn lại hệ thống giá của Việt Nam, hiện nay cách tính của chúng ta là theo giá bán lẻ điện bình quân, tôi cho rằng có hạn chế, nhưng không phải là cốt lõi của những khó khăn của ngành điện hiện nay. Mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá. Nếu chúng ta cố gắng dần dần tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá phù hợp.
Chúng ta xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014 khi mong muốn phát triển sản xuất nên để giá điện sản xuất thấp. Sau đó, chúng ta muốn cân bằng tài chính cho EVN nên buộc phải đẩy giá điện kinh doanh lên. Trong quá trình này, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả lại đúng vai trò của hộ sản xuất, nhưng chúng ta để lệch quá và không điều chỉnh, dẫn đến việc bây giờ nếu ngay lập tức xóa bù chéo thì chắc chắn không làm được, vì sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng rõ ràng phải hành động để từng bước điều tiết giá điện theo cơ chế thị trường. Đây là điều rất cần thiết”, ông Hồi cho biết.
Nhận định về giá điện trong thời gian tới, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, thứ nhất, dù nỗ lực đến mấy cũng không thể bỏ qua nguồn năng lượng cơ sở bao gồm điện than, điện khí. Trong xu hướng giá nhiên liệu đầu vào tăng như hiện nay, giá thành cung cấp điện chắc chắn sẽ tăng. Các vấn đề địa chính trị trên toàn cầu cũng khiến chúng ta không thể kỳ vọng giá đầu vào đi xuống, thậm chí còn dao động ở mức mới cao hơn. Chúng ta phải chấp nhận điều này.
Thứ hai, chúng ta đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, các quốc gia khác trên toàn cầu cũng mong muốn điện sạch và tôi khẳng định, không có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời phát được 4 tiếng một ngày là tối đa, điện gió thì phập phù nên không thể nào nói những nguồn điện ấy sẽ có giá rẻ.
"Tóm lại, một là do biến động của tình hình địa chính trị thế giới, hai là xu hướng dịch chuyển năng lượng nên chắc chắn giá thành cung ứng điện sẽ cao lên", ông Hồi nhấn mạnh.
Nếu giá điện không tính đúng, tính đủ, ngành điện, doanh nghiệp điện có nguy cơ bị mất cân đối dòng tiền, không có động lực để phát triển thêm nguồn điện, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, đời sống sinh hoạt người dân... Ông Bùi Xuân Hồi phân tích thêm, năm 2023 rất điển hình cho câu chuyện bắt buộc phải giảm phụ tải hay nói cách khác, bắt buộc phải cắt điện khi nguồn điện không đủ.
“Về từ chuyên môn trong kinh tế năng lượng, chúng tôi gọi là chi phí ngừng cung cấp điện, nó được định nghĩa là một thiệt hại nền kinh tế phải gánh chịu khi mà 1 kWh không thể cung cấp được. Thiệt hại cực kỳ lớn. Hệ lụy vô cùng nhiều bởi điện là hàng hóa thiết yếu đặc biệt, là đầu vào của các đầu vào. Với đời sống xã hội, mất điện thì cuộc sống bị đảo lộn. Đó là hệ lụy và năm 2023 là kiểm chứng rõ nhất về câu chuyện nếu mất điện xảy ra thì hệ lụy như thế nào”, ông Hồi cho biết.
Quay trở lại, nếu giá điện vẫn tiếp tục được điều hành theo hướng đa mục tiêu như hiện nay, thì đối tượng ảnh hưởng đầu tiên là EVN – đơn vị bán lẻ điện lớn nhất. Nếu giá điện thấp, đầu tiên EVN lỗ, mà EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên lỗ tức là Nhà nước mất vốn. Nếu EVN có lợi nhuận thì Nhà nước có lợi nhuận, có cơ hội để EVN tái đầu tư mở rộng. Khái niệm tái đầu tư mở rộng là khái niệm của ngành điện, bởi năm nào cũng tăng trưởng chứ không bao giờ dừng quy mô, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Như vậy, không có lợi nhuận thì không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện.
“Bên cạnh đó, khi EVN bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng Domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn. Chúng ta thấy Quy hoạch Điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì tôi cho rằng triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời”, ông Hồi cho biết.