“Trong quá trình làm việc với các ngân hàng, có ý kiến cho rằng, ngân hàng đang quản trị rủi ro tốt hơn các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), nhưng tôi không nghĩ vậy. Ngược lại, tôi cho rằng, DNBH chính là các chuyên gia trong quản trị rủi ro. Chỉ có điều, DNBH đang quan tâm nhiều đến mức phí nhận được (doanh thu) hơn là quản trị rủi ro cho chính mình”, ông Saman nói.
Quan điểm của ông Saman nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham gia Hội nghị, đặc biệt là với khối DNBH nhân thọ. Bởi với khối này, hầu hết là DN có vốn đầu tư nước ngoài lớn (16/17 DNBH nhân thọ là DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ), nên quản trị rủi ro tốt cũng là điều dễ hiểu.
“Với lợi thế là DN liên doanh có vốn góp lớn của cổ đông nước ngoài, chúng tôi đang được nhìn nhận là có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn so với các DNBH trong nước. Riêng trong quản trị rủi ro gian lận bảo hiểm, với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, được chuyển giao từ công ty mẹ ở nước ngoài, giúp phân tích và phát hiện rủi ro gian lận liên quan đến bồi thường, các gian lận của đại lý, các hoạt động đầu tư, chi phí…”, lãnh đạo một DNBH nhân thọ nước ngoài chia sẻ.
Đối với khối DNBH phi nhân thọ, do phần lớn là DN trong nước, quy mô nhỏ, nên công tác này chưa được đầu tư thỏa đáng, nhất là khâu áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị rủi ro.
“Ngoại trừ những DNBH Top đầu về thị phần, có cổ đông chiến lược nước ngoài, phần lớn DNBH trong nước chưa đầu tư nhiều cho hệ thống quản trị rủi ro”, quản lý phòng quản trị rủi ro một DNBH nói và cho rằng, lợi ích của quản trị rủi ro gian lận thì DNBH nào cũng hiểu, nhưng để có một hành động đầy đủ thì chưa nhiều DN làm được. Nguyên nhân, một phần do lo sợ sẽ mất nhiều chi phí lẫn đầu tư nhân lực, trong khi quy mô DN còn nhỏ (trong khối phi nhân thọ, có DN chỉ đạt doanh thu phí/năm vài chục tỷ đồng). Thêm vào đó là áp lực cạnh tranh với những DN khác trong ngành để giành giật thị phần cũng như khách hàng, khiến DNBH “quên” mất việc phải xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, theo ông Saman, nếu DNBH chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí ban đầu để đầu tư quản trị rủi ro, kết quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều lần, bởi khi đó, tỷ lệ bồi thường của DN sẽ giảm, kéo theo chi phí giảm và lợi nhuận sẽ tăng.
Theo Báo cáo kết quả khảo sát của EY, hơn 80% số người được khảo sát cho rằng, gian lận bảo hiểm làm tăng chi phí của DNBH, ít nhất là 1% và có thể lên tới 5%. Nghiên cứu gian lận toàn cầu của Tổ chức ACFE (Association of Certified Fraud Examiners) năm 2014 cũng cho thấy, mỗi DN tổn thất 5% doanh thu do gian lận, nếu áp dụng cho tổng sản phẩm toàn cầu năm 2013, thì mức tổn thất dự kiến gần 3.700 tỷ USD.
Do đó, các diễn giả và chuyên gia cùng đồng quan điểm cho rằng, quản trị rủi ro bảo hiểm là cần thiết và không thể thiếu công cụ đắc lực đó là áp dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc phát hiện trục lợi bằng công nghệ thông tin.
Ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục quản lý & Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Chúng ta cần phải quan tâm đến quản trị rủi ro liên quan đến khách hàng chứ không chỉ là rủi ro liên quan đến nội bộ DN. Trong quản trị rủi ro, vai trò của lãnh đạo DN rất quan trọng. Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực giảm số vụ trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm cũng đang được xem xét bổ sung như một tội danh trong Luật Hình sự. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) Bên cạnh quản trị rủi ro nội bộ, quản trị rủi ro xuất phát từ bên ngoài cũng quan trọng không kém. Trên thực tế, mỗi DNBH chịu rủi ro từ nhiều phương diện khác nhau như rủi ro từ trục lợi bảo hiểm, rủi ro từ khai thác bảo hiểm, rủi ro từ việc lập quá nhiều chi nhánh… Do đó, cần quan tâm đến quản trị môi trường bên ngoài như rủi ro đến từ khách hàng, chính sách, để có các biện pháp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị rủi ro là điều tất yếu. |