Không hẳn phải đóng cửa
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Xuân Thanh cho biết, từ cuối năm 2019 nhận thấy gỗ dán Việt Nam xuất vào Hàn Quốc rẻ và gây thiệt hại đến sản xuất trong nước của Hàn Quốc, nên bị đưa ra điều tra để áp thuế chống bán phá giá.
Ngay thời điểm này, phía Hàn Quốc đã điều tra 6 công ty và áp chung cho toàn ngành mức thuế là 10,54%. Riêng kỳ kiểm tra rà soát mới nhất, phía Hàn Quốc đã ra dự thảo sẽ nâng mức thuế lên đến 9,78% đến 31,28% đối với 7 doanh nghiệp (cập nhật mới nhất) lựa chọn điều tra và áp chung cho tất cả doanh nghiệp là 13,94%.
“Như vậy sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế gỗ dán Việt Nam vẫn xuất đi Hàn được bởi vì doanh nghiệp 2 phía trong tình thế này đã chia mức thuế làm 2 và mỗi bên chịu một nửa. Đồng thời, hiện chỉ mới là dự thảo phía Hàn Quốc và cũng đã gửi cho Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam”, ông Thanh thông tin.
Phía Cục Phòng vệ thương mại cũng khẳng định việc áp thuế chưa chính thức, các văn bản phía Hàn Quốc đã thể hiện, nhưng họ còn phải tham vấn các cơ quan chuyên trách phía Việt Nam trước khi ra quyết định cuối cùng.
Khi có sự việc xảy ra Hiệp hội cũng có văn bản gửi Cục Phòng vệ thương mại để nhờ can thiệp hỗ trợ. Đại diện Viforest cũng đưa ra 2 lý do chính đáng để phía Hàn Quốc xem xét về việc gỗ dán Việt Nam không gây nhiều thiệt hại hay đe doạ nghiêm trọng sản xuất Hàn Quốc trong thời gian tới.
Thứ nhất, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có quy định không được áp thuế 2 lần trên cùng một sản phẩm.
Thứ hai, gỗ dán Việt Nam xuất đi Hàn Quốc trong những năm gần đây không thực sự tăng trưởng mạnh (chỉ chiếm tầm 25-30% thị phần). Đây là yếu tố để xét tính gây thiệt hại không quá nghiêm trọng, đe doạ lên sản xuất trong nước để phải chịu mức thuế cao như phân tích.
“Thông tin hàng loạt doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam có nguy cơ đóng cửa là chưa có cơ sở. Thứ nhất, Hàn Quốc chưa áp thuế. Thứ hai, gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc thuộc phân khúc chất lượng trung bình, giá rẻ, không dễ gì thị trường bạn có thể tìm được nguồn cung ứng thay thế và vẫn còn biên độ giá để thích ứng. Có chăng một số doanh nghiệp gỗ Việt phải ngừng kinh doanh là do thị trường sụt giảm thời gian qua và không chỉ gỗ dán hay riêng Hàn Quốc mà các mặt hàng khác cũng như thị trường khác cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp gỗ”, Chánh văn phòng Viforest lý giải.
Bởi doanh nghiệp sẽ có cách ứng phó
Ông Thanh nhấn mạnh, giả sử Hàn Quốc có áp thuế thì doanh nghiệp cũng sẽ có sự ứng biến linh hoạt để tồn tại và phát triển. Ông Thanh đề cập đến câu chuyện 37 doanh nghiệp gỗ dán bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách không hợp tác (không khai báo, khai báo nhiều lần không trùng khớp) trong quá trình điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá và trợ cấp có thể bị áp đặt lên đến trên 200%.
“Với mức thuế có thể chặn đứng giao thương một mặt hàng như vậy rõ ràng doanh nghiệp Việt không thể xuất gỗ dán sang Hoa Kỳ. Trong tình thế này, nhiều doanh nghiệp đã quyết định chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ. Nếu tình hình tương tự có xảy ra với gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc, tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ vẫn tìm lối đi bằng thay đổi quy cách, chất lượng sản phẩm và điều hướng thị trường chứ không phải là bó tay và đóng cửa nhà máy. Việt Nam đang có lợi thế so sánh khá nổi trội trong kinh doanh gỗ dán với lợi thế nguyên liệu rừng trồng và nhân công giá còn tương đối thấp ở các vùng Bắc, Nam Trung bộ và miền núi phía Bắc”, ông Thanh phân tích.
Đại diện Viforest thông tin thêm, từ năm 2019, Việt Nam cũng bị một thị trường lớn khác là Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá gỗ dán với lý do vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ cho rằng, nguyên liệu và thành phẩm gỗ dán xuất xứ Trung Quốc có thể được đưa vào Việt Nam để gia công và hoàn thiện để gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Nhằm giảm thiểu rủi ro bị điều tra chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại khác có tần suất xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay, doanh nghiệp ngành gỗ cần cải thiện quản trị doanh nghiệp, chú trọng áp dụng công nghệ quản lý chuỗi cung gỗ khi đòi hỏi nguyên liệu gỗ hợp pháp và không gây mất rừng ngày càng khắc nghiệt hơn.
“Cần hạn chế nhập khẩu gỗ lạng/bóc mỏng (veneer) làm lớp mặt gỗ dán từ gỗ Bạch Dương từ các nguồn không minh bạch và có rủi ro. Như vậy, doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm giải trình một cách công phu hơn, truy xuất nguyên liệu gỗ cẩn trọng hơn, thu thập tốt hơn các bằng chứng gỗ hợp pháp để giải trình với thị trường nhập khẩu khi cần”, Chánh văn phòng Viforest đưa ra lời khuyên.