Không có chuyện gửi USD, chỉ được rút VND

(ĐTCK) Thị trường đang xuất hiện thông tin “sắp có chính sách gửi tiền tiết kiệm USD, chỉ được rút VND”. Vậy, có hay không câu chuyện này?
Không có chuyện gửi USD, chỉ được rút VND

Không có chuyện gửi USD, chỉ được rút VND ảnh 1Tính đến 15/10/2013, cho vay bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã giảm 14,05% so với cùng kỳ

 

Tỷ giá đã cơ bản ổn định

Từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá đã cơ bản ổn định, tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh, tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ trên 30% trong những năm 1990 xuống 15,8% cuối năm 2011 và khoảng 12,3% cuối năm 2012, đến cuối tháng 8/2013 còn khoảng 12%.

Tín dụng bằng ngoại tệ cũng giảm mạnh phù hợp với chủ trương chuyển quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ, giảm sức ép tín dụng bằng ngoại tệ, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập siêu…

Thực tế cho thấy, để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động công khai định hướng tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2013 với mức biến động 2 - 3% nhằm ổn định tâm lý thị trường, định hướng kỳ vọng tỷ giá và củng cố niềm tin của người dân vào VND.

Với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 20.828 VND/USD lên mức 21.036 VND/USD kể từ ngày 28/6/2013, đồng thời điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD, đảm bảo phù hợp với diễn biến cung - cầu ngoại tệ, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế, chính sách điều hành lãi suất VND và tiếp tục khuyến khích người dân nắm giữ VND, giảm nắm giữ ngoại tệ.

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam phân tích, nếu 4 năm trước đây, một nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn 1 triệu USD vào Việt Nam thì riêng việc “lỗ” do biến động tỷ giá đã có thể lên tới 10%. Nhưng từ cuối 2011 đến nay, đầu tư vào thị trường này, nhà đầu tư không còn bị thua lỗ về tỷ giá như trước nữa. Điều này giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn.

“Vẫn cần phải tập trung để duy trì được sự ổn định đã và đang có của thị trường ngoại hối và tỷ giá”, ông Tareq Muhmood nói.

Bên cạnh đó, việc điều hành linh hoạt tỷ giá mua vào USD của NHNN theo hướng khuyến khích các TCTD bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bán ra để can thiệp thị trường là phù hợp với mục tiêu ổn định thị trường. NHNN đã kết hợp chặt chẽ với các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền VND cung ứng khi mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nhằm tránh gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ giá USD/VND được giữ ổn định và tổng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi vào tháng 2/2013 so với cuối năm 2011, mặc dù vẫn chưa đạt mức 2,5 tháng nhập khẩu. Nhưng từ tháng 2 cho đến nay, NHNN vẫn liên tục mua ngoại tệ và gần đây nhất là vào trung tuần tháng 10.

“NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước”, lãnh đạo cao cấp Vụ Quản lý ngoại hối NHNN thừa nhận.

 

Không có chuyện gửi USD chỉ được rút VND

Tính đến 15/10/2013, tín dụng tăng 6,21% so với cuối năm 2012; trong đó tín dụng VND tăng 10,66%, tín dụng ngoại tệ giảm 14,05%. Việc giảm tín dụng ngoại tệ phù hợp với chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế của Chính phủ, NHNN và được các chuyên gia kinh tế phân tích bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay đã bớt hấp dẫn so với VND. Cụ thể, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6 - 7%/ năm. Trong khi chênh lệch lãi suất giữa VND và USD không quá cao, chỉ khoảng 2 - 3 %. Vì vậy, DN ít vay ngoại tệ bởi vay tiền đồng lãi suất rẻ mà không sợ biến động, rủi ro về tỷ giá. Thứ hai, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá giảm sút, theo đó nhu cầu vay ngoại tệ nhập khẩu cũng giảm.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, theo thông lệ, đáng lẽ tín dụng ngoại tệ phải sôi động hơn do nhu cầu mua sắm tăng, nhưng năm nay, tín dụng ngoại tệ vẫn trong đà giảm. Cùng với diễn biến này, thị trường đang xuất hiện thông tin “sắp có chính sách gửi tiền tiết kiệm USD chỉ được rút VND”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, các quốc gia trên thế giới đều gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và rút ra bằng ngoại tệ. Cũng có quốc gia khi người gửi có ngoại tệ muốn gửi tiết kiệm thì Chính phủ yêu cầu chuyển thành đồng nội tệ, do vậy, gửi tiết kiệm và rút ra hoàn toàn bằng đồng nội tệ.

“Còn chuyện ngân hàng nhận gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nhưng chỉ trả bằng nội tệ tôi chưa nghe thấy bao giờ”, TS. Hiếu nói. “Chính sách gửi tiền tiết kiệm USD chỉ được rút VND trong thời điểm hiện nay chưa nên làm, bởi có thể khiến ngoại tệ đi vào những kênh đen, ngầm hay người dân để ngoại tệ ở nhà. Điều này cũng không khuyến khích kiều bào chuyển ngoại tệ về Việt Nam trong khi lượng kiều hối năm nay dự kiến tăng hơn năm ngoái, đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm 2013. Chỉ khi nào đồng Việt Nam thực sự ổn định, không dựa vào lượng kiều hối cũng như đầu tư nước ngoài quá nhiều, lúc đó mới có thể thực hiện được việc chỉ có một đồng tiền duy nhất tại Việt Nam ”, TS. Hiếu nói.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp NHNN khẳng định: “Không có việc bàn thảo trong NHNN liên quan đến chính sách gửi tiền tiết kiệm USD, chỉ được rút VND”.          

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục