Quy định “chỉ có tại Việt Nam”
“Trong một lô cá ngừ vằn bắt về, đa số là các con có chiều dài trong khoảng 300-350 mm, tỷ lệ từ 500 mm trở lên rất ít, nhiều khi chỉ vài phần trăm. Thế mà quy định mới đây không cho phép đánh bắt cá ngừ vằn dưới 500 mm thì chúng tôi lấy đâu ra hàng”, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành thủy sản chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Được biết, Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, tại Phụ lục V - kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, cá ngừ vằn chỉ được khai thác với chiều dài nhỏ nhất cho phép là 500 mm.
Được biết, trên thế giới, không quốc gia nào quy định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt. Do cá ngừ vằn (tiếng Anh là Skipjack Tuna, tên khoa học Katsuwonus Pelamis) có đặc tính di cư theo đàn, các quốc gia hiện kiểm soát tình hình khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch và ngư cụ.
Chẳng hạn tại Mỹ - thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, cá ngừ vằn không bị quy định kích thước tối thiểu, chỉ có 2 dòng là cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng chịu ảnh hưởng bởi quy định tối thiểu 27 inch (hơn 680 mm).
Hay với thị trường EU, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quy định bảo tồn của châu Âu, không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ, mà chỉ có một số loài nhạy cảm. Kích thước tối thiểu các loài nhạy cảm này cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.
“Nội dung cơ bản là EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu”, VASEP nêu trong kiến nghị gửi tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6 vừa qua.
Hiệp hội dẫn chứng, các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác (C/C).
Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương cũng không quy định về kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ, trong đó có cá ngừ vằn.
“Cá ngừ vằn chiều dài 500 mm, tương đương size 5-7 kg, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này là size 1,8 - 3,4 kg. Các loại cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp hiện nay thường trung bình 1,8-3,4 kg. Thực tế, nhiều tàu khai thác cá ngừ vằn có size cỡ dưới 1 kg và khách hàng chuộng các sản phẩm đóng hộp từ nguyên liệu cá size nhỏ”, VASEP khẳng định.
Cần xem xét toàn diện
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư giải thích, mục đích của quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt.
Cá ngừ vằn là cá di cư, nay ở biển Việt Nam, mai sang Thái Lan, ngày kia đi Ấn Độ… Nước bạn không cấm mà chúng ta cấm, có khác gì chúng ta nhường nguồn lợi thủy sản cho họ.
“Hiện nay, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, châu Âu, Nhật Bản và một số nước đã quy định kích cỡ cho phép khai thác, để khai thác vừa mức, nhằm duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo. Căn cứ trên số liệu của Viện Nghiên cứu hải sản từ năm 2010 đến năm 2020, phân tích sinh học các đối tượng thủy sản, đặc biệt các loài kinh tế cao, quy định kích thước 500 mm là vì với kích thước ấy, 50% cá thể thành thục sinh sản lần đầu. Lấy mốc này làm mốc kích thước cho phép, không khai thác dưới mức ấy”, ông Hùng giải thích.
Ông Hùng cũng nói thêm, trong những năm vừa qua, trữ lượng nguồn lợi hải sản của nước ta suy giảm rất mạnh. Nếu không quy định kích cỡ thì người dân sẽ khai thác tất cả con non, dưới tuổi trưởng thành. Như vậy, sau này nguồn lợi sẽ hết, chúng ta sẽ không còn để khai thác.
Tuy nhiên, một báo cáo khoa học do Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương xuất bản năm 2022 (Việt Nam tham gia với tư cách thành viên hợp tác) đã chỉ ra, trữ lượng cá ngừ vằn trong khu vực không bị khai thác quá mức, đồng thời tỷ lệ cá chết trong quá trình khai thác cũng ở mức vừa phải. Báo cáo không đề cập quy định khai thác cá ngừ vằn theo kích cỡ. Vấn đề duy nhất cần lưu tâm là tỷ lệ sinh của cá ngừ vằn đang ở mức thấp, cần có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Một chuyên gia trong ngành cá ngừ chia sẻ, ông đồng ý với quan điểm cần bảo vệ trữ lượng loài cá ngừ vằn, nhưng quan trọng là biện pháp phải phù hợp.
“Trên thế giới, cá ngừ vằn là cá di cư, nay ở biển Việt Nam, mai sang Thái Lan, ngày kia đi Ấn Độ. Chúng di cư theo đàn khắp đại dương. Nước bạn không cấm mà chúng ta cấm, có khác gì chúng ta nhường nguồn lợi thủy sản cho họ”, chuyên gia này nói.
Trước mắt, không thể thu mua cá ngừ vằn kích thước dưới 500 mm từ phía ngư dân, các doanh nghiệp thủy sản bắt buộc chuyển sang dùng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài để tiếp tục hoạt động. Theo phản ánh thực tế, các lô hàng cá ngừ doanh nghiệp nhập từ Maldives, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... đều có cá nhỏ dưới 1 kg và có giấy chứng nhận thủy sản khai thác (C/C).
Về lâu dài, để đáp ứng quy định, toàn bộ ngư dân phải thay đổi lưới đánh cá sang loại có kích thước mắt lưới phù hợp. Nếu vẫn dùng ngư cụ như hiện tại, ngư dân sẽ vi phạm Điều 60, Luật Hải sản, hành vi “khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định”, từ đó ảnh hưởng đến quá trình gỡ thẻ vàng hải sản IUU mà phía châu Âu đang cảnh báo thủy sản Việt Nam.
“Chúng ta siết các quy định để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, nhưng châu Âu còn không có quy định kích thước tối thiểu đánh bắt với cá ngừ vằn, khác gì Việt Nam đang tự lấy đá ghè vào chân mình? Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại quy định trên cơ sở pháp lý, thông lệ quốc tế lẫn tình hình thực tiễn”, giám đốc một doanh nghiệp ngành thủy sản bức xúc.