NHNN vừa ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, đối tượng vay vốn chỉ có hai loại: thể nhân và cá nhân. Các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không còn đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, thông tin này đang được một số người hiểu lầm, cho rằng các đối tượng trên không còn được vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO cho rằng, đây là cách hiểu không đúng.
Theo luật sư Đức, trên thực tế, pháp luật các nước đều quy định chỉ có hai loại chủ thể có 2 loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là 1 hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi Bộ luật dân sự năm 2015.
Chủ thể "hộ" đã bị xóa khỏi Bộ luật Dân sự 2015
"Do đó Thông tư cho vay số 39/2016/TT-NHNN bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015", luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia luật này, bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình (hay hộ kinh doanh cũng ) chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi, còn trong ruột bản chất thì vẫn cơ bản như cũ. Khác là, từ năm 2017 trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Trao đổi với báo Đầu tư, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho hay, những quy định trên không phải là do NHNN "nghĩ ra" mà NHNN chỉ triển khai Bộ luật dân sự 2015 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ đầu năm 2017. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ thể tham gia quan hệ dân sự là pháp nhân và cá nhân. Do đó, Thông tư 39 của NHNN cũng phải quy định khách hàng vay vốn là pháp nhân và cá nhân.
Theo giải thích của ông Nguyễn Hồng Hải-Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), theo thông lệ thế giới, chủ thể giao dịch dân sự chỉ là thể nhân (cá nhân) và pháp nhân. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử trước đây giao đất cho hộ gia đình, phát triển kinh tế tập thể nên hộ gia đình và tổ hợp tác được Bộ luật Dân sự cũ gộp chung thành một loại chủ thể. Tuy nhiên, loại chủ thể này gây ra nhiều rắc rối về quan hệ pháp lý. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 sửa theo hướng thể nhân và pháp nhân để tăng tính minh bạch, không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
"Quy định này không phải để bắt buộc các hộ gia đình kinh doanh, tổ hợp tác phải thành lập doanh nghiệp mà là để quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự", ông Hải khẳng định.
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, cuối năm 2016, Bộ đã báo cáo Thủ tướng về công tác rà soát thực hiện Bộ luật Dân sự 2015, trong đó có rà soát về chủ thể hộ và đưa ra những giải pháp để chuyển đổi chủ thể hộ thành quan hệ giữa thành viên trong hộ gia đình.
Được biết, Bộ luật Dân sự 2015 không áp dụng hồi tố, có nghĩa các hợp đồng dân sự có chủ thể " hộ " trước đây vẫn có hiệu lực.