Không chỉ Việt Nam, cạn thanh khoản đang xuất hiện ở mọi nơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư quốc tế “chán nản” với cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản Trung Quốc liền tìm tới các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, khủng hoảng thanh khoản đang xuất hiện ở mọi nơi và những diễn biến mới nhất cũng không kém phần “kịch tính”.
Không chỉ Việt Nam, cạn thanh khoản đang xuất hiện ở mọi nơi

Đầu tháng 11/2022, Heungkuk Life Insurance Co khuấy động thị trường trái phiếu Hàn Quốc với quyết định bất ngờ khi không thể thanh toán 500 triệu USD trái phiếu vĩnh viễn (perpetual bond) vào ngày có lệnh thu hồi dự kiến. Ngay lập tức tình trạng bán tháo trong hoảng loạn diễn ra không chỉ ở Seoul, mà lan sang các thị trường lân cận. Ngay cả trái phiếu vĩnh viễn của AIA Group, tập đoàn bảo hiểm danh tiếng được S&P Ratings xếp hạng tín nhiệm A+ cũng bị bán tháo tại thị trường Hồng Kông.

Trái phiếu vĩnh viễn (perpetual bond) là trái phiếu không có ngày tháng đáo hạn cố định, cho phép người mua quyền hưởng lợi tức trong thời gian nắm giữ trái phiếu.

Sự việc của Heungkuk Life hé mở cánh cửa nhìn vào “bí mật” thị trường, khiến giới đầu tư phải đặt câu hỏi: Liệu Hàn Quốc - quốc gia có khoảng 76% các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở mức A và cao hơn nữa, cũng đang trong tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Nhất là khi trước đó, vào cuối tháng 9, Legoland Korea, doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh công viên chủ đề (theme park) cũng vỡ nợ trái phiếu tới hạn.

Động thái bất ngờ của Heungkuk chính là dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng, cũng giống như các doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty Hàn Quốc đang mất khả năng huy động tài chính để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán tới hạn.

Tâm lý lo ngại về sức khoẻ tài chính các các doanh nghiệp trái phiếu dẫn tới tình trạng mất thanh khoản trên thị trường và lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Theo số liệu từ Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc, lãi suất trung bình với trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 3 năm tăng từ 4,5%/năm lên 5,69%/năm.

Trong khi đó, trong đợt phát hành vào tháng 10/2022, Korea Electric Power chỉ huy động được 590 tỷ won, chưa bằng một nửa mục tiêu 1.200 tỷ won đặt ra. Đây là công ty điện lực lớn nhất của Hàn Quốc và được xếp hạng tín nhiệm AAA.

Tại Việt Nam, tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản/nhà phát triển bất động sản đang vật lộn để mua lại các trái phiếu trước hạn và gặp khó khăn khi phát hành mới, sau vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát. Trên thị trường, một số công ty bất động sản khác cũng đưa ra thông tin về việc tái cấu trúc hoạt động và điều chỉnh hoạt động sử dụng vốn.

Warren Buffett có câu nói nổi tiếng: "Chỉ khi thuỷ triều rút, chúng ta mới biết ai đang bơi mà không mặc quần". Câu nói ám chỉ việc, chỉ khi không còn dòng tiền rẻ, thị trường mới nhận ra đối tượng nào đang gặp vấn đề với dòng tiền và đối diện rủi ro phá sản. Và hiện tại, khi lãi suất được nâng lên, giới đầu tư toàn cầu lần lượt chứng kiến rủi ro thanh khoản tại mọi thị trường.

Trong năm qua, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande với khối nợ 300 tỷ USD, cùng 20 công ty bất động sản Trung Quốc khác không thể thanh toán các khoản nợ. Tại Anh, tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh phải cứu trợ hệ thống quỹ lương hưu với 65 tỷ USD.

Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, Argentina, Nga, Sri Lanka và Zambia đều chứng kiến các vụ vỡ nợ. Nhiều vụ việc hơn nữa sẽ còn xuất hiện, từ các thị trường mới nổi cho tới nước Mỹ khi lãi suất neo ở mức cao hơn.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục