Khống chế thế nào cho chi phí quảng cáo tiếp thị?

(ĐTCK-online) Dự án Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được Quốc hội thảo luận để thông qua. Nhiều quy định trong Dự án Luật nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu Quốc hội, ngoại trừ quy định khống chế mức chi cho quảng cáo, tiếp thị. "Cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam rất quan tâm đến quy định này, bởi nó tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và mong muốn Quốc hội sẽ đưa ra một quyết định hợp lý nhất", Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Ashok Sud chia sẻ.
Ông Ashok Sud Ông Ashok Sud

Dường như Eurocham vẫn muốn bỏ khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo, tiếp thị?

Tôi phải khẳng định, không chỉ cộng đồng DN châu Âu (thông qua Eurocham) mà cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và nhiều DN trong nước vẫn muốn Luật thuế TNDN dỡ bỏ hoàn toàn việc khống chế này. Cụ thể, trong hội thảo “Lấy ý kiến sửa đổi Luật thuế TNDN và Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT)” do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội chủ trì vào cuối tháng 3/2008, đa số ý kiến tham gia góp ý về nội dung này (6/7) đề nghị xóa bỏ tỷ lệ khống chế quảng cáo, tiếp thị. Nhưng rất tiếc, Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm: “Phần chi cho quảng cáo, tiếp thị… không vượt quá 10% tổng chi phí được trừ để tính chi phí hợp lý, hợp lệ”.

 

Nhưng Ban soạn thảo cho rằng, hiện có đến 90% DN sử dụng ít hơn 10% tổng mức chi hợp lý, hợp lệ để quảng cáo, tiếp thị nên việc khống chế không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh?

Chi phí quảng cáo, tiếp thị có sự khác nhau lớn giữa các mô hình hoạt động của DN và giữa các ngành nghề khác nhau, chi phí này thường chiếm tỷ lệ cao nhất với DN sản xuất hàng tiêu dùng luân chuyển nhanh (FMCG). Có thể thấy, những DN đóng tàu hay sản xuất gia công, dệt gần như không phải sử dụng đến chi phí quảng cáo, tiếp thị, trong khi ngành kinh doanh mỹ phẩm, nước ngọt thì lại cần nhiều chi phí quảng cáo, tiếp thị. Bản thân trong ngành công nghiệp sản xuất FMCG cũng có sự khác biệt giữa các mô hình kinh doanh khác nhau. Và vì vậy, 90% là số phần trăm trung bình không chính xác trong cả nền kinh tế.

Điều đáng nói là, những DN chi nhiều cho quảng cáo và tiếp thị là khối DN sản xuất hàng tiêu dùng, nên nếu tiếp tục khống chế không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, mà còn tác động tới chính sách kinh tế vĩ mô.

 

Ông muốn nói tới chính sách vĩ mô nào?

Nếu tiếp tục khống chế sẽ tác động xấu tới lạm phát và nhập siêu là 2 vấn đề nổi cộm mà Việt Nam coi là ưu tiên số 1 để giải quyết hiện nay. Cụ thể, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng  không ngừng khuyến mại, tiếp thị, nếu vẫn bị khống chế thì chi phí nộp thuế sẽ được tính vào giá thành sản phẩm, mà hậu quả là người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng lên. Nếu tiếp tục khống chế sẽ không khuyến khích DN mở rộng sản xuất, bởi họ phải nộp thuế phần chi phí vượt quá mức khống chế, thay vào đó người ta sẽ nhập khẩu hàng hóa.

 

Ông có thể đưa ra ví dụ cụ thể hơn?

Giả sử, một sản phẩm hàng hóa nhập khẩu có giá thành 100.000 đồng, nhà nhập khẩu chỉ cần bán 110.000 đồng là có lãi. Trong khi để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa cùng loại tại Việt Nam với chi phí thấp hơn 100.000 đồng, nhưng để sản phẩm đó được người tiêu dùng chấp nhận, nhà sản xuất sẽ phải chi thích đáng cho quảng cáo, tiếp thị, nếu các khoản chi này bị đánh thuế với thuế suất 25% thì giá bán sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ cao hơn hàng nhập khẩu. Điều này dẫn tới hệ quả là biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu, DN không quan tâm tới sản xuất trong nước  nên hạn chế việc tạo công ăn việc làm, làm giảm thu ngân sách nhà nước.

 

Nhưng chính sách thuế, ngoài tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện cho DN phát triển, còn có nhiệm vụ bảo đảm cho nguồn thu ngân sách?

Nhiều người cho rằng, dỡ bỏ khống chế chi cho quảng cáo, tiếp thị sẽ giảm thu ngân sách. Tôi cho rằng, quan điểm này không thuyết phục, bởi các chính sách thuế có tính liên hoàn, nếu dỡ bỏ khống chế thì tạo điều kiện cho DN mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, Nhà nước tăng thu được thuế TNDN. Bên cạnh đó, khi hàng hóa được người tiêu dùng chấp nhận thì Nhà nước tăng thu từ thuế GTGT và các khoản thu khác nhờ thị trường tăng lên.

 

Ngày 3/6/2008, Quốc hội sẽ thông qua Luật thuế TNDN và nhiều khả năng, kiến nghị dỡ bỏ tỷ lệ khống chế quảng cáo, tiếp thị sẽ không được chấp nhận?

Vì lợi ích của cộng đồng DN, của hàng triệu người tiêu dùng và lớn hơn, vì sự phát triển kinh tế của Việt Nam, chúng tôi vẫn đang cố gắng thuyết phục Quốc hội dỡ bỏ tỷ lệ khống chế quảng cáo, tiếp thị, nếu không được, hy vọng Quốc hội sẽ nới rộng mức khống chế lên 20% và tách khoản chi này ra khỏi khoản chi chung (hội nghị, môi giới, tiếp khách...).

 

Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do để khống chế khoản chi phí trên là e ngại một số DN gian lận, ví dụ như chi quá nhiều vào hội họp và tiếp khách, thậm chí dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nếu tách các khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị ra khỏi khoản chi chung thì  nâng mức khống chế không dẫn đến gian lận. Còn nếu vẫn hạn chế như hiện nay, tôi nghĩ rằng, DN sẽ tìm cách đối phó, né tránh, điều này tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh và bất bình đẳng.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ