Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương trong năm 2017 đã đạt những kết quả quan trọng tích cực, đúng định hướng.
Đến nay, đã có một số dự án, nhà máy đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ.
Cụ thể, Nhà máy thép Việt - Trung (VTM) trong năm 2017 đã tiêu thụ được gần 463 nghìn tấn phôi thép và gần 2,6 triệu tấn quặng, đạt lợi nhuận 405 tỷ đồng.
Ðáng chú ý, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, VTM đã đạt doanh thu 1.069 tỷ đồng, lợi nhuận 198 tỷ đồng.
Bốn dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có kết quả sản xuất, kinh doanh cải thiện đáng kể trong năm 2017.
Trong đó, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng sau thời gian dài thua lỗ nay đã có lãi hơn 15 tỷ đồng (cao hơn 450,5% so kế hoạch); Nhà máy đạm Hà Bắc tiêu thụ hơn 317.000 tấn u-rê, đạt doanh thu 2.443 tỷ đồng và giảm lỗ 449 tỷ đồng so năm 2016; Nhà máy DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 222 tỷ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình tuy chỉ sản xuất 138 ngày trong năm 2017, nhưng cũng giảm lỗ được gần 199 tỷ đồng
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ , với các dự án đã xử lý được tồn tại, làm ăn có lãi, thì có thể đề nghị đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ, kém hiệu quả, còn các doanh nghiệp đã giảm được lỗ lũy kế, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó.
“Điều quan trọng là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đối với từng dự án, từng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, trong 12 dự án của ngành Công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp 5 dự án thua lỗ, gồm: Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án nhiên liệu Bình Phước và Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. PVN cũng muốn chi thêm tiền để cứu dự án, còn Chính phủ đề nghị xử lý trên cơ sở thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho rằng, vướng mắc chính là quy định không được sử dụng tiền nhà nước để xử lý các dự án thua lỗ trong khi để đạt hiệu quả cao thì cần đưa các dự án vận hành trở lại.
Trước đó, trong buổi làm việc đầu năm mới của lãnh đạo Bộ Công Thương với Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX), một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ của PVN, thông tin từ Ban lãnh đạo Công ty cho biết, dự án xơ sợi PVTEX Đình Vũ dự kiến sẽ khởi động một phần phân xưởng DTY vào ngày 20/3/2018 và từng bước nâng dần công suất xưởng DTY để tạo tiền đề cho việc khôi phục và vận hành sản xuất kinh doanh toàn nhà máy của PVTEX.
Thời gian sản xuất là 6 tháng (từ 20/3 đến 20/9/2018) trong khi chờ kết quả lựa chọn đối tác hợp tác vận hành toàn nhà máy.
Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX cho biết về kế hoạch dài hạn, trong tháng 4/2018, PVTEX sẽ trình cấp thẩm quyền các kịch bản một là tự vận hành; hai là hợp tác gia công; ba là bán hoặc phá sản công ty và đề xuất phương án ít thiệt hại nhất cùng các cơ chế chính sách bảo đảm phương án khả thi nhất.
Đặc biệt, lãnh đạo PVTEX đã đề xuất với Bộ Công Thương và PVN hỗ trợ một số nội dung. Theo đó, xem xét khả năng cho PVTEX hoặc đối tác bao tiêu sản phẩm Paraxylene (PX) của PVN tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) với các điều khoản, điều kiện tương tự như NSRP đã ký hợp đồng bán PX cho các đối tác khác và hưởng quyền bao tiêu khoảng 50% sản lượng sản phẩm Polypropylen của Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng bán cho các công ty khác trong PVN.
Xem xét cho PVTEX rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, không tính khấu hao tài sản cố định tối thiểu 3 năm đầu sản xuất. Hỗ trợ pháp lý nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến đối tác trong quá trình hợp tác sản xuất kinh doanh (nếu có).
Dẫu vậy, hiện trạng thực tế của Dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyester Đình Vũ hiện vẫn được nhận định là hết sức khó khăn nên việc khởi động lại toàn bộ nhà máy sẽ khó thực hiện theo kế hoạch.