Với đợt suy thoái của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, nhiều người lo ngại rằng thời điểm sắp tới vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để có thể tiếp nhận lượng cung khổng lồ đó, và nếu bán ồ ạt trong lúc cầu còn chưa hồi phục hoặc chưa đủ mạnh mẽ thì thị trường sẽ lại tiếp tục suy thoái thêm và ngân sách nhà nước sẽ bị thua thiệt do giá của những cổ phiếu mới này sẽ không được cao như ý muốn.
Từ đó, đã có luồng ý kiến của không ít chuyên gia kêu gọi một sự thận trọng, thậm chí là trì hoãn những đợt IPO sắp tới, cho đến “một thời điểm thích hợp hơn”. Điều này có hợp lý không?
Theo ý kiến của tác giả, có một số lý do để không thể/không cần phải có bất cứ một sự trì hoãn nào trong việc tiến hành IPO.
Việc đầu tiên cần xét đến là chương trình IPO lần tới này đã được lên kế hoạch từ trước và công bố bởi Chính phủ, với những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể từ đích thân Thủ tướng Chính phủ đối với một số trường hợp. Cho dù hiện nay có thể có một số yếu tố nào đó được cho là không thuận lợi cho một đợt IPO quy mô lớn như vậy, nhưng việc ngừng hoặc trì hoãn IPO nhiều khả năng sẽ mang đến những hậu quả tai hại khác không thể lường trước, mà trong đó, ngoài việc uy tín của Chính phủ sẽ bị sứt mẻ, việc này còn tạo ra những tiền lệ, những cái cớ khả dĩ cho những cá nhân hoặc nhóm lợi ích “không thích” cổ phần hóa.
Thứ hai, những lo ngại rằng tung ra một lượng hàng hóa lớn như vậy trong lúc thị trường có vẻ như đang trầm lắng sẽ làm thị trường tiếp tục trầm lắng hơn, ngân sách nhà nước sẽ bị thiệt hại hơn… chưa hẳn đã xác đáng.
Hãy thử đặt ngược lại vấn đề. Tại sao không nghĩ rằng việc tung ra một đợt IPO của những doanh nghiệp có chất lượng sẽ thu hút sự quan tâm và bỏ vốn đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư (đã hoặc chưa bao giờ đầu tư) trong nước và đặc biệt là ngoài nước? Kết quả rất có thể sẽ là cầu sẽ tăng mạnh ngang ngửa hoặc thậm chí mạnh hơn cung, và do đó giá cả hay thu nhập từ việc phát hành như vậy sẽ không giảm sút, nếu không muốn nói là tăng.
Việc này còn tạo thêm một hiệu ứng tích cực nữa là nó giúp cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn và tạo điều kiện cho họ cơ cấu lại danh mục đầu tư, làm rớt giá những loại cổ phiếu của những công ty tồi nhưng may mắn ăn theo nhờ cơn sốt chứng khoán vừa qua, đặt các công ty đã niêm yết trên thị trường trước một lựa chọn duy nhất là phấn đầu làm ăn thật hiệu quả hay là "chết".
Thứ nữa, cũng có người lấy đợt đấu giá IPO của Đạm Phú Mỹ vừa qua để làm minh họa cho ý kiến rằng trong thời điểm này nhà đầu tư chẳng mấy mặn mà với IPO như người ta tưởng.
Ngay cả vấn đề này cũng chẳng có gì khó hiểu. Trên bất cứ thị trường nào, kể cả thị trường chứng khoán, yếu tố tâm lý luôn ngự trị và chi phối hành động của các thành viên tham gia thị trường. Sau một đợt suy thoái kéo dài như là kết quả của các đợt sốt nóng trước đó, tâm lý thận trọng, sợ hãi, chán nản, nghe ngóng… đã ngự trị trong đầu các nhà đầu tư tiềm năng và cái gì phải đến thì sẽ đến. IPO của Đạm Phú Mỹ vô hình chung là nạn nhân của tâm lý này.
Nhưng đến đây, yếu tố tâm lý sẽ lại phát huy tác dụng một lần nữa, khi mà ai cũng thấy tiệc hùi hụi, với một loạt câu “giá như…”, “biết thế thì…”, và người ta lại tranh nhau lùng mua loại cổ phiếu này.
Nói yếu tố tâm lý sẽ lại phát huy tác dụng vì bài học “giá như…” sẽ xui khiến nhà đầu tư không muốn bị là người chậm chân trong những đợt phát hành mới tới đây, và chắc chắn rồi thì các đợt phát hành này sẽ lại nóng như hoặc cũng gần như vậy so với các đợt phát hành trước đây.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, vai trò của Chính phủ đối với thị trường chứng khoán không chỉ là tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua IPO các doanh nghiệp nhà nước, mà còn có trách nhiệm kiểm soát và can thiệp, giữ ổn định cho thị trường hoạt động lành mạnh. Đôi khi Chính phủ phải chấp nhận đánh đổi một số lợi ích ngắn hạn để đạt được những mục đích khác có thể sẽ đem lại những lợi ích trong dài hạn.
Hơn thế nữa, nếu đợi đến một thời điểm được coi là thích hợp mới tiến hành IPO thì có lẽ chẳng bao giờ tiến hành IPO được, vì những thời điểm này diễn ra thường chỉ trong thời gian tính bằng tháng, bằng tuần (quan trọng hơn, không thể dự đoán được xảy ra vào lúc nào và kéo dài bao lâu), trong khi đó thì việc chuẩn bị và tiến hành IPO thì không phải cứ muốn hôm nay thì ngay mai sẽ làm xong.
Trên hết, chẳng có cớ gì phải lo sợ và trì hoãn đợt IPO rầm rộ sắp tới, khi tất cả những nỗi quan ngại được nêu ra ở đây là vô nghĩa vì Chính phủ chỉ cho phép bán một phần nhỏ trong tổng số cổ phiếu của các doanh nghiệp trong đợt IPO sắp tới. Có thể coi đây là một mũi tên trúng hai đích: (1) bảo đảm uy tín, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa; (2) không làm sốc thị trường với một lượng hàng hóa quá lớn (nếu như có xảy ra trường hợp này).