Không cần lo ngại trước động thái của NHNN
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 12 với chủ đề: Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều 14/4, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - ABBank (mã chứng khoán ABB) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Bà Hương cho biết, trước tiên, nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ tài chính tiền tệ rất hữu hiệu của NHNN để điều tiết thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Đây là một nghiệp vụ rất bình thường và NHNN có thể bơm tiền hoặc hút tiền trên thị trường liên ngân hàng thông qua công cụ này.
Việc NHNN quay lại hút tiền bằng việc chào bán tín phiếu cũng là nghiệp vụ bình thường trước tình trạng thanh khoản trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiền đồng bị dư thừa, dẫn đến lãi suất đang ở mức thấp. Đây cũng chính là động thái giảm áp lực lên tỷ giá.
Tính đến 11/7 vừa qua, số dư tín phiếu kho bạc là khoảng 187.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy ngân hàng đang hút về 187.000 tỷ đồng thông qua tín phiếu. Tuy nhiên, kỳ hạn rất ngắn là 7, 14 và 28 ngày, có nghĩa sau hết kỳ hạn ngắn này, lượng tiền đó lại quay trở lại hệ thống ngân hàng và tiếp tục đi vào nền kinh tế.
Bà Hương nói thêm, ngoài công cụ này, NHNN còn nhiều công cụ khác để điều hành một cách nhịp nhàng, đảm bảo sự cân đối giữa tiền tệ với kinh tế vĩ mô và các cân đối khác.
“Vậy nên, nhà đầu tư không nên quá lo ngại việc NHNN hút tiền thông qua tín phiếu.Vì nó chỉ là hoạt động điều tiết thông qua các cụm công cụ khác để đảm bảo quan hệ tiền tệ, lãi suất tỷ giá và dòng cân vốn được đảm bảo”, bà Hương khẳng định.
Giải pháp hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp
Bà Hương thông tin, đến hết tháng 6, ABBank gần như sử dụng hết room tín dụng mà NHNN cho phép từ đầu năm. Hiện tại, ABBank lấy khách hàng làm trọng tâm, rà soát lại toàn bộ sản phẩm, xác định sản phẩm có phân khúc, tiểu phân khúc để đáp ứng phù hợp nhất với nhu cầu khách hàng.
Đối với những sản phẩm cho vay, sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu, sản phẩm bảo lãnh, ABBank đều rà soát để giúp sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu khách hàng. Về quy trình, ABBank điều chỉnh rút gọn, tinh gọn và số hóa giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Về tín dụng, ABBank rà soát lại khẩu vị rủi ro và danh mục theo hướng ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất như định hướng của Chính phủ.
Nhà băng này cũng xác định khách hàng mục tiêu và đi theo chiến lược ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh chờ cấp room tín dụng. Bên cạnh đó, ABBank có những động thái giúp doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh thời gian từ nay đến hết năm và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong thời gian tới. Đặc biệt, ngân hàng này đang có những chuẩn bị cho gói hỗ trợ lãi suất 2% theo chương trình của Chính phủ.
“Đến nay, ABBank cũng sẵn sàng về mặt quy trình, tiếp theo sẽ xây dựng công cụ triển khai theo dõi và báo cáo quản lý và thông báo đến khách hàng - những đối tượng được cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất này. Chúng tôi sẽ làm việc này trong tháng 7 và những tháng tiếp theo”, bà Hương thông tin thêm.
Về góc độ quản trị rủi ro, ABBank đã đầu tư về mặt công nghệ giúp ngân hàng kiểm soát được những rủi ro từ khâu thẩm định khách hàng đến phê duyệt theo đúng tinh thần dựa trên công tác quản trị rủi ro một cách chủ động.
“Với những sự chuẩn bị đấy, chúng tôi tin rằng, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và phát triển một cách lành mạnh”, Phó tổng giám đốc ABBank khẳng định.
Bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đáng ngại
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, tỷ giá vừa qua ít nhiều tác động tới động thái, chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 4, thị trường chứng khoán lao dốc thì nhà đầu tư nước ngoài mua vào, đến thời điểm đầu tháng 7, do tỷ giá tăng, họ có khuynh hướng bán ròng, đặc biệt biến động ở chính chỉ quỹ ETF.
Trong lịch sử, diễn biến này cũng diễn ra và tỷ giá có tác động rõ ràng tới động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Minh cho rằng, áp lực này không nóng thời gian tới mà sẽ sớm hạ nhiệt. Giai đoạn 2020 - 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam lớn. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn dưới 16% trên thị trường cổ phiếu.
“Rõ ràng, đây là tỷ lệ thấp. Còn gần đây, họ không rút hoàn toàn mà bán ròng trên thị trường cổ phiếu và dịch sang kênh đầu tư khác. Tôi thống kê trong năm 2021, họ đã vào thị trường trái phiếu, đặc biệt trái phiếu Chính phủ. Năm 2022, cơ hội định giá hấp dẫn, P/E thấp, tôi kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng dần tỷ trọng thời gian tới”, ông Minh nói.
Mặt khác, tỷ giá thời gian qua có tăng, song chuyên gia nhìn nhận, đối chiếu với đồng Euro, Yên Nhật thì doanh nghiệp vay ngoại tệ này ít bị tác động, nhưng rủi ro doanh nghệp vay đồng USD nhiều. Còn nhờ sự ổn định của đồng VNĐ, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm cơ hội để giải ngân vào từng nhóm cổ phiếu triển vọng, nên bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đáng ngại.