Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), mỗi sàn đều đã có trên 300 doanh nghiệp niêm yết. Đó là chưa kể khoảng 300 doanh nghiệp giao dịch trên sàn UPCoM và hàng ngàn công ty đại chúng.
Cụ thể, HOSE hiện có 307 công ty niêm yết, 39 trái phiếu, 1 quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (ETF), với tổng giá trị vốn hóa đạt 53 tỷ USD, 77 công ty chứng khoán thành viên và trên 1,5 triệu tài khoản giao dịch. Trong khi đó, trên HNX, tính đến hết tháng 5/2016, sàn niêm yết 377 doanh nghiệp, 299 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM và 522 mã trái phiếu chính phủ. Giá trị vốn hóa của các thị trường giao dịch của HNX đạt khoảng 48,5 tỷ USD.
Quy mô thị trường đã ở mức khá lớn, nên việc cải thiện chất lượng quản trị trong các doanh nghiệp niêm yết đang đặt ra cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, Luật Doanh nghiệp mới có nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các công ty đại chúng lẫn doanh nghiệp niêm yết vận dụng những thông lệ quản trị công ty tốt nhất trên thế giới, góp phần vào nỗ lực chung của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty.
Trong bối cảnh hiện nay, quản trị doanh nghiệp không chỉ là câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, mà đó là trách nhiệm của từng doanh nghiệp đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. Bởi lẽ, chất lượng doanh nghiệp sẽ quyết định đến chất lượng chung của cả thị trường. Ông Chris Razook, Giám đốc Tư vấn quản trị công ty khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, tăng cường quản trị công ty cũng đồng thời giúp củng cố và phát triển thị trường vốn của Việt Nam và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Bởi lẽ, hiện nay sự cạnh tranh giữa các thị trường trong khu vực ngày càng gia tăng và trước áp lực này, việc cải thiện quản trị công ty phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt được công nhận sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Tuy Luật Doanh nghiệp mới đã có hiệu lực 1 năm nay, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng cập nhật và áp dụng kịp thời các yêu cầu. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp quy định, các doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp niêm yết được phép thành lập một Ủy ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng Quản trị (hay còn gọi là Ủy ban Kiểm toán theo thông lệ quốc tế), mà không cần có Ban Kiểm soát, nếu đáp ứng được một số quy định cụ thể khác theo luật. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa quen với mô hình mới này và mô hình truyền thống có Ban Kiểm soát vẫn là mô hình phổ biến. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp dù có Ban Kiểm soát, nhưng vai trò của Ban Kiểm soát khá mờ nhạt.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị công ty, mô hình Hội đồng Quản trị và Ủy ban Kiểm toán nội bộ là thông lệ tốt nhất, hiện được nhiều quốc gia sử dụng. Có nhiều sự khác biệt giữa Ủy ban kiểm toán nội bộ và Ban Kiểm soát truyền thống. Theo đó, thành viên Ủy ban Kiểm toán nội bộ được đặt lên vai yêu cầu cao hơn về chuyên môn tài chính kế toán, riêng Trưởng ban phải là chuyên gia về lĩnh vực này.
Với yêu cầu này, Ủy ban Kiểm toán nhận trách nhiệm giám sát quy trình lập báo cáo tài chính, lựa chọn kiểm toán độc lập và thực hiện việc giám sát cả kiểm toán nội bộ và độc lập. Bộ phận này cũng có thể hỗ trợ Hội đồng Quản trị thực hiện trách nhiệm quản trị doanh nghiệp, thực hiện giám sát các vấn đề liên quan đến tài chính, quản lý rủi ro…