Không áp đặt thô bạo vào thị trường

(ĐTCK-online) Trao đổi với ĐTCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính (BTC) Vũ Văn Ninh nhận định, xét trên nhiều phương diện, TTCK đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, muốn tiếp tục phát triển TTCK thì cơ quan quản lý phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là phải nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Vũ Văn Ninh. Ông Vũ Văn Ninh.

Là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý TTCK, Bộ trưởng đánh giá thế nào về TTCK trong thời gian gần đây?

Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm cho thị trường tài chính (bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ) phát triển nhanh và bền vững. Riêng TTCK, theo tôi, đã có sự phát triển khá nhanh, đang trở thành một kênh huy động vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế. Sự phát triển của TTCK trong năm 2007 trên cơ sở cái đà đã đạt được của năm 2006, đồng thời cũng là hệ quả của việc nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

 

TTCK phát triển mạnh mẽ được nhìn nhận dưới góc độ nào, thưa Bộ trưởng?

Cũng như các thị trường khác, chỉ có thể coi thị trường là tốt, phát triển lành mạnh khi mà hàng hóa ngày một nhiều, người mua bán ngày càng đông, giá trị mua bán hàng phiên lớn, giá cả hàng hóa có lên, có xuống nhưng không biến động quá lớn… Cũng có lúc thị trường đi xuống, nhiều người có cái nhìn khác, nhưng theo tôi, khi đánh giá phải nhìn nhận khách quan, khoa học bản chất của việc tăng - giảm giá trong từng giai đoạn. Trong năm 2007, có nhiều giai đoạn chỉ số VN-Index và HASTC-Index giảm, tôi cho rằng, đây chính là những giai đoạn hàng hóa đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng hàng hóa có giá trị thấp mà thị giá quá cao thì điều chỉnh xuống, và ngược lại. Đây chính là biểu hiện lành mạnh của TTCK Việt Nam .

 

Tuy nhiên, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, TTCK biến động quá mạnh trong năm 2007 là một trong những hạn chế rất lớn?

Vào đầu năm 2007, VN-Index trên 740 điểm, còn hiện tại là trên 1.000 điểm, theo tôi thì mức dao động này không lớn.

 

Nhưng với thị trường OTC thì không diễn biến như vậy, thưa Bộ trưởng?

So với lịch sử phát triển TTCK hàng chục, thậm chí hàng trăm năm của nhiều nước trên thế giới thì TTCK Việt Nam vẫn còn quá non trẻ, nên sự khác biệt giữa TTCK Việt Nam và nhiều nước rất lớn. Cụ thể nhất, thị trường OTC của các nước gọi là tự do nhưng vẫn nằm dưới sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, còn tại Việt Nam , thậm chí có nhà đầu tư bán cả những cổ phiếu mà họ chưa có, thậm chí là không có. Đây là hạn chế của thị trường mới phát triển như Việt Nam . Về vấn đề này, BTC đang triển khai đề án quản lý giao dịch trên thị trường OTC theo hướng tất cả các loại cổ phiếu muốn mua bán được phải qua Trung tâm Lưu ký, chỉ có cổ phiếu mua bán qua Trung tâm Lưu ký mới được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những giải pháp nhằm ổn định thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, định hướng thị trường phát triển lành mạnh, còn muốn quản lý TTCK thực sự có hiệu quả, đúng mục đích thì phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nữa.

 

Mỗi khi thị trường có biến động lớn, hiện tượng “làm giá” được nhiều người đề cập, Bộ trưởng có biết không?

TTCK nào trong giai đoạn đầu, giai đoạn hình thành cũng có thể xảy ra tình trạng này. Chính phủ đã chỉ đạo BTC phải nâng cao năng lực quản lý, chỉ có vậy mới hạn chế được hiện tượng làm giá (nếu có). Theo tôi, đây là điều quan trọng, nếu không muốn nói là rất quan trọng đối với thị trường. Muốn thực hiện được thì không còn cách nào khác là phải nâng cao năng lực quản lý để hướng nhà đầu tư vào đầu tư dài hạn cùng với việc nâng cao khả năng quản lý ngoại hối, bởi cơ quan quản lý nhà nước không thể áp đặt một cách thô bạo vào thị trường.

 

Thưa Bộ trưởng, Ngân hàng Nhà nước đã từng ban hành quy định nghiêm cấm công chức của mình sử dụng máy móc, trang thiết bị để tham gia đầu tư trên TTCK, vậy tại sao BTC không có quy định tương tự?

Trong nội bộ ngành tài chính cũng có quy định chung, mà cụ thể là quy định công chức ngành tài chính không được sử dụng thiết bị, máy móc của cơ quan vào bất cứ việc gì mang tính chất cá nhân. Sử dụng máy móc, trang thiết bị của cơ quan tham gia đầu tư trên TTCK mang tính chất cá nhân nên cũng bị cấm. Tất cả công chức ngành tài chính phải tuân thủ quy định này.

 

Hàng trăm ngàn công chức sở hữu hàng nghìn tỷ đồng nhàn rỗi, nếu không cho phép họ tham gia thì xã hội lãng phí một nguồn tài chính không nhỏ, Bộ trưởng có nghĩ như vậy không?

Pháp luật không cấm công chức tham gia đầu tư vào TTCK, nhưng anh đã đi làm công ăn lương cho Nhà nước thì anh phải phục vụ đủ thời gian và công sức cho Nhà nước để hưởng lương và các chế độ đãi ngộ khác. Nếu anh muốn trở thành nhà đầu tư thì anh có thể xin thôi việc, pháp luật không cấm. Nhưng nếu anh lựa chọn là công chức thì anh buộc phải tuân thủ Pháp lệnh Công chức và các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

 

Bộ trưởng có cảm nhận thấy người dân ngày càng quan tâm tới TTCK hơn không?

Điều này rất rõ, từ thành thị tới nông thôn, từ người làm công ăn lương đến người về hưu, người làm nghề tự do, ở đâu người ta cũng có mối quan tâm nhất định tới TTCK. Đây là biểu hiện rất tốt, nhưng đây cũng biểu hiện rất rõ tâm lý của người Việt là làm theo số đông. Tôi cho rằng, không chỉ có TTCK mới có hiện tượng này, mà cả thị trường cao cấp khác như ngoại tệ, vàng bạc, bất động sản cũng vậy. Khi giá tăng, người ta đổ xô đi mua, thậm chí người không có nhu cầu đầu tư, tích trữ nhưng có khoản tiền nhất định cũng muốn mua “vài chỉ”, “vài tờ”. Tôi đã hỏi một số người về việc này, họ bảo rằng, họ đi mua vàng, mua USD chỉ vì thấy nhiều người đi mua, nếu không mua chỉ sợ ngày mai giá vàng, giá USD lại tăng. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là phải tăng cường công tác thông tin cảnh báo, đưa ra các nhận định, đánh giá để mọi người hiểu.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ