Tiếp tục phiên họp thứ 52, sáng 12/1 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Khởi tố, điều tra oan sai giảm dần
Trình bày báo cáo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đánh giá, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 375.884 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng, nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm nhưng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước; phát hiện, khởi tố nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế. Tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng tăng, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng internet; tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ có tính chất, quy mô lớn ngày càng nhiều.
Theo báo cáo, trong kỳ, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra;… Qua kiểm sát, đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%; Viện kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố gần 150 vụ án, tăng 07%; hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án,...
Viện kiểm sát đã trực tiếp lấy lời khai hơn 223.000 người bị bắt, tạm giữ; ban hành hơn 300.000 yêu cầu điều tra, tăng gần 70%; trực tiếp hỏi cung gần 200.000 bị can,... Quyết định không phê chuẩn trên 600 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tăng gần 20%; trên 800 quyết định gia hạn tạm giữ, tăng gần 70%; trên 1.300 lệnh tạm giam, tăng gần 40%; trên 1.100 lệnh bắt bị can để tạm giam, tăng gần 50%; Viện kiểm sát hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu bắt tạm giam trên 300 bị can;...
Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt, các trường hợp truy tố oan giảm nhiều theo từng năm (năm 2017 giảm 14,3%; năm 2018 giảm 50%; năm 2020 giảm 50%) - ông Trí nhấn mạnh.
Một kết quả nổi bật nữa được Viện trưởng đề cập là trong nhiệm kỳ vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra; đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp theo đánh giá của viện trưởng tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; ban hành hơn 71.000 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa. Số lượng, chất lượng kháng nghị các loại án tăng và cơ bản đáp ứng yêu cầu Quốc hội; hiệu lực các bản kiến nghị được nâng lên và vượt trên 15% chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm tăng dần theo từng năm; đã khắc phục tình trạng đơn tồn đọng; hạn chế thấp nhất các trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị và tình trạng đơn quá hạn giải quyết.
Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội
Nhìn nhận hạn chế, thiếu sót, Viện trưởng nêu rõ vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội hoặc có chỉ tiêu không thể thực hiện, như: còn có trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan; trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính còn thấp; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội. Tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo tội phạm do Cơ quan điều tra Công an trực tiếp xử lý, Viện kiểm sát chỉ đôn đốc thì không thể chủ động quyết định được tỷ lệ giải quyết.
Những hạn chế, tồn tại trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do các vụ việc tăng nhiều trong tất cả các lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ tăng theo quy định của pháp luật trong khi các đơn vị đều phải cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ - ông Trí cho biết.
Vẫn theo Viện trưởng, nguyên nhân của hạn chế còn do một số quy định mới của pháp luật nhận thức chưa thống nhất nhưng chậm được hướng dẫn thực hiện; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật nghiệp vụ của một bộ phận lãnh đạo, Kiểm sát viên còn hạn chế; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao; phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.