Khơi thông dữ liệu bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được thông qua, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật số liệu từ ngày 1/1/2024.
Dữ liệu về bảo hiểm hiện rất thiếu và yếu Dữ liệu về bảo hiểm hiện rất thiếu và yếu

Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật các thông tin về người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp; thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm…

Trong đó, đối với thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm (của mảng bảo hiểm nhân thọ), doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật thông tin rủi ro được bảo hiểm chi tiết theo các loại rủi ro: Mắc bệnh hiểm nghèo, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tử vong; giới tính, hút thuốc lá hay không, tuổi tham gia bảo hiểm, số người được bảo hiểm (tính theo số liệu thống kê thực tế số người được bảo hiểm có tuổi tham gia bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực trong kỳ báo cáo; thời hạn bảo hiểm trung bình tại thời điểm giao kết hợp đồng theo sản phẩm chính (tính bằng trung bình cộng của số năm bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm có tuổi tham gia bảo hiểm), số người gặp rủi ro tại năm hợp đồng...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm còn có trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối với các cổng thông tin quốc gia về bảo hiểm. Nếu không thực hiện các trách nhiệm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật pháp tại nhiều quốc gia quy định rõ trách nhiệm cung cấp dữ liệu bảo hiểm của các đối tượng kinh doanh trên thị trường bảo hiểm nhằm tạo cơ sở cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đề xuất mức phí sàn, thống nhất phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng… thường do các hiệp hội ngành nghề lĩnh vực bảo hiểm thực hiện. Tại Úc, cơ quan quản lý nước này có thể thu hồi giấy phép của công ty bảo hiểm nếu không tuân thủ yêu cầu về thu thập dữ liệu.

Nghị định 46/2023 cũng yêu cầu công ty bảo hiểm phải cập nhật thông tin lên trung tâm dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Việc kết nối cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước và pháp luật chuyên ngành.

Hiện tại, chưa có quy định công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin người được bảo hiểm trên VssID tại thời điểm cấp hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, các quy định hiện hành sẽ hướng tới việc gắn trách nhiệm này cho doanh nghiệp bảo hiểm.

VssID là ứng dụng bảo hiểm hiểm xã hội được cài đặt trên điện thoại thông minh, mỗi người dân cài đặt ứng dụng này có thể dễ dàng tra cứu thông tin bảo hiểm của cá nhân, cung cấp lịch sử và thông tin khám chữa bệnh trong năm. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể dựa vào đó để xem xét dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế hay không... Trên thực tế, có một số trường hợp nhờ lấy thông tin từ VssID mà công ty bảo hiểm có lý do từ chối chi trả cho khách hàng kê khai thông tin không trung thực.

Mặt khác, trong các tờ yêu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đã in sẵn có nêu rõ, khách hàng cho phép/ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm được đến bất cứ bệnh viện nào, được truy cập bất cứ hệ thống nào có chứa dữ liệu sức khỏe khách hàng để thẩm định rủi ro nhận bảo hiểm hoặc xét trả bảo hiểm. Điều này được hiểu là khách hàng đã chuyển giao quyền kiểm tra thông tin thì doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động xác minh để xem xét có chấp thuận bảo hiểm hay không, nếu chấp thuận thì sau này dù phát hiện ra khách hàng kê khai không trung thực cũng không được phép từ chối chi trả bồi thường.

Tuy nhiên, ông Ngô Hà Minh - chuyên gia giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hay, ứng dụng VssID chỉ cung cấp thông tin từ năm 2017 đến nay và chỉ có thông tin nếu khách hàng dùng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh (khám dịch vụ không được hiện thị ở đây), nên mới cập nhật được khoảng 30% thông tin y tế của khách hàng, do đó vẫn cần sự trung thực trong khai báo thông tin từ khách hàng. Chưa kể, nếu chỉ dựa vào lời khai của khách hàng trên VssID có thể sẽ thiếu khách quan.

“Tôi luôn khuyên tư vấn viên bảo hiểm và khách hàng cung cấp luôn tài khoản và mật khẩu đăng nhập VssID để doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tự kiểm chứng. Luôn lưu ý rằng, VssID không thay thế được nghĩa vụ kê khai trung thực”, ông Minh nói.

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục